BLOG

Xứ tằm tang: Tơ lụa Tân Châu. Lụa Lãnh Mỹ A

Xứ tằm tang: Tơ lụa Tân Châu. Lụa Lãnh Mỹ A

"Núi nào cao bằng núi ông Két

Lụa nào đẹp bằng lụa Tân Châu".

Tân Châu, dù xa về đường đi, nhưng rất gần trong tâm hồn những người yêu lụa. Thị xã nhỏ nằm trên thượng nguồn sông Tiền, cách trung tâm tỉnh An Giang hơn 70km tự trăm năm nay vẫn luôn được giới tinh hoa trân trọng với danh xưng “đệ nhất xứ lụa” của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Làng nghề tơ lụa truyền thống Tân Châu hình thành hơn 1 thế kỷ trước, tự bao đời nổi tiếng với sản phẩm lụa Lãnh Mỹ A, thức lụa quý tộc không nơi đâu có thể sánh được, góp phần đưa Tân Châu được mệnh danh là xứ tằm tang.

Lụa lãnh Mỹ A | Thời trang bền vững Hity

Xứ tằm tang

“Trai nào thanh bằng trai sông Của 

Gái nào thảo bằng gái Tân Châu 

Tháng ngày dệt lụa trồng dâu 

Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn"

Đến Long Châu, trung tâm của làng nghề tơ lụa truyền thống Tân Châu, khi nhắc đến từ Lãnh Mỹ A, tên của loại lụa hảo hạng đen huyền, chỉ có Tân Châu mới sản xuất được, ai nấy cũng tự hào.

Thời Pháp mới đặt đô hộ Nam Kỳ, có người Pháp tên là De Colbert về xứ Tân Châu thấy thổ nhưỡng khí hậu phù hợp đã lập ra Sở Kén, chuyên trị việc trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt lụa. Chính nơi đây đã sáng tạo nên lãnh Mỹ A nổi tiếng. Lãnh Mỹ A được dệt từ thứ tơ hảo hạng của những Ông Tằm khỏe nhất, nhuộm đi nhuộm lại nhựa trái mặc nưa trong hàng tháng trời. Thứ lụa trơn láng, đen nhưng nhức ấy mặc vào người như được vuốt ve trên da thịt, mùa hè mát rượi, mùa đông ấm sực dù chỉ khoác lớp tơ mỏng nhẹ, càng mặc càng giặt càng đen huyền, màu đen “chết không đổi tính” cho đến tận khi rách bục. Nguyên liệu hảo hạng, biết bao vất vả mới làm nên tấm vải, nên xưa kia chỉ bậc giàu có thượng lưu mới dùng lãnh Mỹ A mặc vào dịp ăn chơi sang trọng như đi xem hát- lễ tết – đám tiệc, tấm lãnh được người ta giữ như bảo vật trong nhà, ngay cả vải “xá xị Xiêm” - một loại lụa Thái Lan nức tiếng cũng không thể sánh được. Không những thế, có những thời điểm lụa Tân Châu còn xuất hiện ở Ấn Độ, Singapore, Philipinnes… và rất được giới thượng lưu, hoàng tộc ưa chuộng.

Khoảng năm 1920, ở Long Châu ngày nay và nhiều nơi ở Tân Châu dân cư thưa thớt chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Giai đoạn 1936-1940, Tân Châu đã trở thành trung tâm tơ lụa lớn nhất Nam bộ, với những lò ươm tơ, dệt lụa quy mô lớn; những vườn dâu xanh ngút mắt chạy dọc ven bờ sông Tiền, sông Hậu; những hàng mặc nưa ken dày dọc theo tỉnh lộ 952; dưới sông, thuyền bè tấp nập tựa như một “ấp nổi”. Từ tờ mờ sáng đến tối mịt lúc nào cũng nghe tiếng thoi đưa dệt vải lách cách, tiếng đạp khung ì ầm. Đâu đâu cũng thấy lụa Lãnh Mỹ A phơi ngút ngàn. Đến những năm 1960, sản phẩm tơ lụa Tân Châu sản xuất ra không chỉ cung ứng trong nước mà còn xuất sang các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Pháp... Khách hàng mua và dùng Lãnh Mỹ A chủ yếu là giới thượng lưu, quyền quý, sản phẩm chỉ để mặc khi có lễ tết, cưới hỏi…. Ông Trần Văn Hồng, 79 tuổi, ngụ phường Long Châu nhớ lại, thời xưa có được bộ quần áo lụa lãnh Mỹ A là quý lắm vì đắt tiền và mặc vào nhìn sang trọng, quý phái. Nhà khó khăn cũng ráng sắm vài bộ để mặc trong những ngày trọng đại như cưới hỏi cho con, diện trong những ngày Tết... Lụa lãnh Mỹ A có đặc điểm khác biệt, đó là vào mùa nóng mặc thì mát, mùa đông mặc lại ấm, chất liệu vải lụa dai bền không hút nước, để càng lâu mầu lụa càng lên bóng đẹp... Thời xưa, được sở hữu bộ quần áo bằng lụa lãnh Mỹ A là niềm ao ước của nhiều người, nhất là phụ nữ các tỉnh, thành phố khác.

Ở vùng đất An Giang, người ta trồng dâu từ những bãi đất cát pha ven sông vào sâu trong đồng ruộng. Cả một triền đất trải dài là một màu xanh bất tận, nối tiếp từ làng này qua làng khác. Có những năm, ruộng dâu trồng đến hơn 10.000 hecta, trải dài từ Tân Châu, Chợ Mới đến tận biên giới Campuchia mới đủ cung cấp cho tằm ăn. Điều đặc biệt là khi hái dâu để nuôi tằm, người dân không hái từng lá mà chặt sát gốc, sau đó gom thành từng bó lớn rồi chở về. Vào mùa khô, bà con nhộn nhịp bước vào vụ sản xuất dâu tằm. Nhà nhà vang lên tiếng lách cách thoi đưa, tiếng đạp khung, nện hàng ầm ĩ suốt từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Trước sân nhà vòng ra lộ ấp, lan ra sau đồng..., đâu đâu cũng thấy lụa (Lãnh Mỹ A) phơi tràn lan, ngút tầm mắt.

Nhưng rồi, trước sự cạnh tranh khốc liệt của vải sợi tổng hợp nhập ngoại, giá rẻ, từ sau năm 1945, thị trường tiêu thụ lụa Tân Châu dần dần bị thu hẹp. Nhiều hộ gia đình chuyển đổi từ dệt lụa sang dệt sợi nylon. Năm 1987, Công ty tơ lụa Tân Châu được thành lập, song, hoạt động được 2 năm rồi giải thể vì không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Thị trường trong nước tê liệt, thị trường quốc tế thì chưa tìm được mối, suốt mấy chục năm ròng, nghề dệt lụa Tân Châu đi vào bế tắc. Hàng trăm hộ gia đình đành phá bỏ vườn dâu, đốn cây mặc nưa chuyển qua trồng lúa. Từ năm 1996 đến năm 2012, chỉ còn duy nhất 1 hộ gia đình duy trì nghề dệt truyền thống, đó là hộ ông Nguyễn Văn Long (hay còn gọi là Tám Lăng).

"Nữ hoàng tơ lụa"

Từ khi bắt đầu nuôi tới lúc “tằm ăn lên” là cả một giai đoạn chăm sóc tỉ mỉ, kỳ công của người dân bởi gần như lúc nào họ cũng phải túc trực bên nong và bộ ván xắt dâu. Cho tới khi tằm chín mọng, kết lại thành những kén vàng ươm, người ta mới đưa lên “bủa” giăng tơ. Có thể nói, làng dệt lúc này bỗng trở nên đẹp và lung linh hơn cả. Dưới ánh nắng mặt trời, nhà nhà vàng óng những bủa tơ… Sau khi ươm tơ, người ta tháo tơ thô từ các bó để se lại thành sợi to rồi dệt lại thành những tấm lụa. Thời kỳ đầu của nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ. Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng bốn tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp. Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm…Thông thường, mỗi khổ vải 90m bao gồm 12.550 sợi dọc. Lãnh Mỹ A được dệt theo phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm). Người thợ phải có đôi mắt tinh tường đôi tay thật khéo léo để dệt nên cây lụa đều, đẹp như được làm từ một sợi tơ duy nhất. Sau đó sẽ được cho vào luộc để ra hết chất keo tằm rồi mới mang đi nhuộm. Lãnh Mỹ A đẹp có bề mặt trơn mướt và đen bóng, sáng dần theo thời gian. Khi mặc, chúng ta có thể cảm nhận được sự tinh tế của lụa và mùi thơm đặc trưng của trái mặc nưa.


"Công đoạn để trồng dâu nuôi tằm cũng rất là khó khăn. Chúng ta trồng dâu nuôi tằm lấy kén rồi dệt ra từng sợi tơ. Ngày xưa dệt bằng khung tơ. Bây giờ ở một số nhà truyền thống vẫn còn lưu giữ hình ảnh đó. Người ta xem quá trình làm là người chủ sản phẩm phải đặt hết tâm trí họ vào sản phẩm. Từ dệt ra tấm tơ đến một khúc vải là cả một quá trình rất công phu. Có một loại trái gọ là trái mặc nưa dùng để nhuôm vải. Phải đem ra nhuộm, phơi nắng nhiều lần, nắng tốt thì vải nó mới chắc và bền được", anh Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư An Giang và cũng là người con của vùng đất Tân Châu chia sẻ. 


Lãnh Mỹ A có tính chất điều hòa thân nhiệt, mùa nóng mát lạnh nhưng mùa đông ấm áp, chất liệu lụa có tính chất dai bền không hút nước. Đặc biệt, do lãnh Mỹ A mang hiệu ứng của da, của giấy và của lụa trên từng mét vải, do đó nó còn được gọi với cái tên thân thiết là lụa sơn mài. Vải lãnh luôn có một mặt bóng và một mặt mờ. Bề mặt lãnh mịn màng, mềm mượt, đen bóng, càng dùng lâu càng trở nên óng ả. Khoác lên người tấm lãnh Mỹ A huyền bí, bạn sẽ cảm nhận sự mịn màng, trơn mượt của thớ lụa và say với hương thơm nhè nhẹ, dịu dàng của trái mặc nưa. Tất cả quy trình ti mỉ, nhiều công sức làm nên giá trị của lụa lãnh Mỹ A. Rất tiếc quá nhiều người hiểu lầm giá trị của đồ xa xỉ nằm ở khía cạnh vật chất, trong khi xa xỉ luôn nằm trong tinh thần. Độ tinh xảo và hiếm có, tính thẩm mỹ xuất sắc của sản phẩm, sự đầu tư đến mức hoang đường về thời gian và không gian, thái độ và kỹ năng của người thợ trong quá trình sản xuất – mới làm nên giá trị xa xỉ. Những thứ thượng phẩm vì thế luôn hiếm hoi và cực nhọc, đằng sau câu chuyện xa xỉ phẩm thường là triết lý cực kỳ chính xác và xúc động về cái Đẹp. Bao năm nay cha con ông Tám Lăng vẫn luôn thanh thản đối xử với nghề bằng thái độ kỹ lưỡng, bằng sự trung tín bền bỉ như đương nhiên phải thế. 

Kỹ nghệ nhuộm của chàng Tám Lăng

Lụa được dệt xong sẽ nhuộm màu bằng trái mặc nưa. Xưa, người Tân Châu nhuộm lãnh bằng vỏ cây già rồi đạp bùn. Vải lên đen nhưng không bền màu, nhanh phai và ánh đỏ. Tám Lăng, chàng thanh niên khỏe mạnh và tháo vát, nghe nói bên Cao Miên có trái mặc nưa chuyên dùng làm màu nhuộm, đã quyết đi qua biên giới mang về cho những nhà dệt trong vùng. Người Miên đập trái mặc nưa ra lấy nhựa, nhuộm vải rồi xả đi rồi lại nhuộm, cứ như thế cho đến khi mặt lụa đủ ngấu màu đen. “Vải của người Miên mặc thật lâu mới lên nước, sau khi chịu bao vầy vò giặt giũ. Chính vì thế, về Tân Châu tôi bàn với những nhà dệt vừa nhuộm vừa đập vải, cho thớ tơ vỡ ra. Ai ngờ đau đớn lại làm nên sự mềm mượt bóng huyền ngay lập tức cho miếng lãnh Mỹ A…”. Hồi đó, mỗi năm người làng nghề phải qua Campuchia mua hàng trăm tấn trái mặc nưa mới đủ dùng. 1975, Tám Lăng dừng việc đi buôn trái mặc nưa, bởi ông đã kịp nhân được giống cây ngay tại quê nhà. "Mặc nưa quyết định cái màu nó đẹp. Lãnh Mỹ A có cái là tơ tằm hợp với mặc nưa. Nếu đem trái mặc nưa nhuộm với vải nào khác là không đẹp. Mà nhuộm với tơ tằm thì rất đẹp. Mình vô mặc nưa cho đầy đủ rồi thì mặc càng ngày càng đẹp. Giặt nhiều nước mặc lâu càng đẹp nhiều. Nó cứ bóng, không phai màu hay nhăn nhíu gì hết".  

Lãnh Mỹ A | Thời trang bền vững Hity

Lãnh được cuộn lại rồi cho vào đập cho vỡ thớ tơ nhằm tạo độ bóng bền, ỏng ả

Với vốn liếng kha khá, Tám Lăng mở một xưởng dệt lớn. Vì ông quá mê mẩn lãnh Mỹ A, muốn mang vốn liếng kinh nghiệm học được từ hàng chục năm đưa mặc nưa để làm ra một thứ lãnh thật đẹp thật nuột nà. Nhưng chiến tranh loạn lạc, việc sống khó nhọc bươn trải khiến người ta đâu dám mơ đến sự xa xỉ của việc mặc. Cả vùng Tân Châu không còn dệt tơ tằm, bãi dâu bị chặt, lò tơ ngưng quay, nghề chăn tằm vì thế chết tuyệt gốc. Các khung cửi dệt tay hầu hết chuyển sang dệt thứ sợi nilon phổ biến và rẻ tiền. Những nhà dệt lớn vì xót xa thứ lụa vốn là niềm kiêu hãnh của một vùng đất đều cố gắng cầm cự. Giống như vị thuyền trưởng chỉ rời khỏi con tàu đắm khi tất cả hành khách và thủy thủ đoàn đã xuống hết, Tám Lăng chống cự đến cùng trước cái chết của lãnh Mỹ A, cho tới năm 1984 thì người chủ xưởng ấy đành chấp nhận đóng khung dệt lãnh cuối cùng. Hơn nửa thế kỷ sau, ông già Tám Lăng ở tuổi 88 ngồi trong vườn nhà, thong thả kể lại những ngày trai trẻ vượt rừng đi tìm màu cho dòng lụa sang quý nhất của Tân Châu. 

Ngày nay, lãnh Mỹ A là loại vải được dệt từ chất tơ hảo hạng của Bảo Lộc (Lâm Đồng) và được nhuộm bằng mủ trái mặc nưa, kết tinh từ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên. Khi tiếp xúc với không khí, nhiệt độ, lụa sẽ chuyển sang màu đen huyền, còn phải thêm công đoạn xả, phơi quấn thành cuộn tròn, nện để nhựa mặc nưa thấm vào tơ lụa giúp sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Trung bình từ lúc dệt đến khi cho ra lụa thành phẩm phải mất 45 ngày, nếu rơi vào mùa mưa có khi mất đến 60 ngày mới có sản phẩm. Nhờ quy trình dệt tỉ mỉ, quá trình nhuộm vải vô cùng phức tạp được lưu truyền từ đời này sang đời khác, Lãnh Mỹ A đến nay vẫn là thức lụa tuyệt vời và được nhiều người săn đón. 


Những tấm lãnh phải được nhuộm từ khi mặt trời chưa ló dạng để kịp phơi dưới ánh nắng tinh mơ. Lãnh được giặt xả xen kẽ dưới sông rồi lại phơi, lại nhuộm hơn 100 lần ròng rã. Vãi lãnh sau khi phơi khô sẽ được quấn lại thành cuộn tròn và đem đi nện nhằm tạo độ bóng bền, ỏng ả, thông thường quy trình nện mất thêm khoảng 5 đến 7 ngày nữa. Cứ như vậy phải nhuộm ít nhất 6 “da”. Mỗi lần "đập" vải (cho vỡ thớ sợi, dễ bám màu) tính là một "da". Chưa dừng ở đó, lụa còn trải qua các giai đoạn khác như: hồ, xả nữa mới tạo được một tấm lụa Mỹ A tuyệt đẹp, quý giá, mang một màu đen huyền bóng loáng cho người mặc. Đây cũng chính là  nét nổi bật và độc đáo riêng của lụa Tân Châu. Anh Nguyễn Hữu Trí, một nghệ nhân của cơ sở sản xuất Lãnh Mỹ A ở Tân Châu chia sẻ: "Nhuộm từ 10-12 ngày thì mình đập xả để đập da nhứt. Sau da nhứt thì mình tiếp tục xả rồi bắt đầu nhuộm y nguyên cái quy trình lập lại ban đầu khoảng 9-10 ngày là mình nhuộm da nhì. Sau da nhì thì mình sẽ nhuộm da ba. Cũng y cái quy trình đó nhưng cái thời gian nó ngắn lại. Thì tới cái da 6 người ta gọi là đập da màu. Sau khi đập cai da đó xong là hoàn thiện". Công đoạn nhuộm lụa được xem là quan trọng và kỳ công, đòi hỏi kỹ thuật cũng như sự tỉ mỉ của người thợ bởi lụa phải nhúng rất nhiều lần để từng sợi tơ được thấm sâu, thấm đều sau đó mới mang ra phơi. Khi phơi phải chọn thời điểm trời nắng tốt để phơi được 4 nắng; trung bình quá trình nhúng và phơi mất khoảng 40 đến 45 ngày. 


Trung bình 500m Lãnh Mỹ A phải mất đến 4 tháng mới hoàn thành. Những lúc mưa dầm, nhuộm hoài không xong thì phải kéo dài hơn 4 tháng. Người ta bảo, giá trị một món đồ đôi khi không nằm ở vật chất mà ở sự kỳ công của người làm ra nó, quả không sai. Bởi quá trình công phu, tỉ mĩ như vậy nên sản phẩm thu được cũng là một tuyệt tác. Xấp vải bóng loáng, đen tuyền, mềm mịn, khi sở vào có cảm giác mát lạnh, mượt mà đến rung động lòng người.

Công đoạn phơi nắng lụa Lãnh Mỹ A

Tân Châu là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại cây mặc nưa. Cây mặc nưa là loại cây thân gỗ có màu đen, lá mỏng, chùm quả màu xanh tròn trĩnh gần giống như quả nhãn. Nhựa của mặc nưa có màu xanh, để lâu sẽ chuyển thành màu đen, chính là màu đen huyền hoặc đặc trưng của Lãnh Mỹ A. Quả mặc nưa sau khi thu hái, lụa những chọn quả to và xanh, sau đó đem giã nát bằng cối đá hoặc nghiền bằng máy rồi hoà cùng nước tạo thành dung dịch có màu vàng sánh, khi tiếp xúc với không khí và nhiệt độ, màu vàng sánh sẽ chuyển sang màu đen. Trung bình, theo ước tính, để nhuộm một cây lụa 10m phải cần 50kg trái mặc nưa.

Lãnh Mỹ A | Thời trang bền vững Hity

Nhựa trái mặc nưa làm nên nhan sắc của lãnh Mỹ A

Từ Ông Tằm Tân Châu đến Bảo Lộc

Ông Tám Lăng gọi ngày mà “người đàn bà định mệnh” ấy tìm đến mình là ngày ơn phước. “Năm 1990, cô “Râu” tìm đến xưởng dệt Tám Lăng để hỏi về lãnh. Lúc đó, gần 1.000 khung dệt trong vùng chỉ dệt sợi nilon. Cô “Râu” rủ tôi: “Hãy quay lại dệt lãnh Mỹ A! Phải dệt bằng sợi tơ tằm, màu nhuộm từ thiên nhiên, làm thủ công hoàn toàn. Chỉ cần ông cố gắng dệt ra vải tốt hơn cả lãnh Mỹ A cũ, tôi sẽ cố gắng bán vải!”. Cô “Râu” tên là Rose Morant – nghệ sĩ đương đại, designer của một hãng thời trang xa xỉ của Pháp – lọ mọ đến Việt Nam để tìm vùng nguyên liệu thủ công và độc bản. Trong những truyền đạt ngắn gọn và đơn giản nhất từ Rose, ông Tám Lăng hiểu ngay việc của mình chính xác là phải làm ra những tấm lụa không thể đẹp hơn, bất kể mất bao nhiêu thời gian hay bao nhiêu khó nhọc.

Việc đếm lỗi trên một cây lụa là hành vi hầu như không xuất hiện trong suy nghĩ của những người thợ thủ công chân lấm tay bùn, bao đời nay họ thao tác như một quy trình mặc nhiên “chăm hay không bằng tay quen”. Rose Morant thì yêu cầu gay gắt về kiểm soát lỗi. “Năm đầu tôi được phép có 10 lỗi trên một cây lụa 20m dài, sau đó chỉ được quá lắm là 5 lỗi”- ông Tám Lăng nhớ lại. Nếu bạn hiểu thế nào là “lỗi” theo quan niệm của họ, thì tôi tin ước mơ về nghề nghiệp của bạn vĩnh viễn sẽ không có chữ “dệt lụa”. Ngưng thoi dệt lâu quá vài giây, sợi tơ tằm bị “nguội” nên khi dệt tiếp sợi bị hằn lên bằng cọng tóc chẻ làm mười – cũng coi là một lỗi chỉ được quyền vi phạm 1 lần trên 20m vải! Mà trong chi chít công đoạn từ tách/se tơ, nhuộm/giặt/đập/phơi/là phẳng lụa… kéo dài suốt nhiều tháng trời, không được phép xảy ra quá 5 lỗi phải soi kính lúp mới tìm thấy – bạn có thấy muốn bệnh không?

Từ yêu cầu “khó phát điên” của Rose thì lãnh Mỹ A đành phải chuyển vùng nguyên liệu. Khí hậu Bảo Lộc - Lâm Đồng quanh năm mát ẩm, là nơi duy nhất ở Việt Nam nuôi được giống tằm có gốc từ vùng núi Phú Sĩ – Nhật Bản. Một Ông Tằm tốt sẽ nhả được thước tơ chừng 700m, lãnh đẹp nương vào tơ, vì thế dệt lãnh phải chọn tơ loại Một được lấy từ ông tằm khỏe, kén chín vào mùa xuân, sợi tơ dài nuột nà mềm mượt không mối nối, mang màu trắng ngà nhìn vào cảm giác trong veo như sợi cước. Tơ Bảo Lộc về đến xưởng Tám Lăng sẽ có thợ chuyên quay tơ se sợi (mỗi sợi dệt ngang được chập lại từ 8 con kén, sợi dọc là chập tơ từ 10 con kén). Thợ dệt sẽ mắc cửi coi khung, đứng canh mặt vải không rời mắt mỗi giây để tránh lỗi, thấy tơ hơi gợn lên là phải gỡ, phải dấu được mối nối giữa các đoạn để cả cây lụa như được dệt ra từ một sợi tơ duy nhất. Thế mà vải dệt xong, vẫn cần một người thật cẩn thận, mang kính cầm nhíp xăm xoi tỉ mẩn từng milimet để “cứu” những vết tơ hơi lằn trên mặt lụa. Rồi lụa được cho vào luộc để ra hết chất keo ông tằm, sau đó mới mang vào nhuộm. 100kg trái mặc nưa xay nhỏ sẽ đủ nhựa nhuộm được 20m lụa.

Da Một mất 9 ngày với 27 lần nhuộm rồi giặt xả, phơi rồi nhuộm lại… Da Hai vẫn quy trình như thế trong 9 ngày. Da Ba cùng một quy trình trong 6 ngày. Ba da đầu tiên để sợi tơ ngấm nhựa mặc nưa, giúp vải đằm và đảm bảo độ bền. Phải canh để nhựa không bị thừa, nếu không vải sẽ quá nặng. Nếu “non nhựa”, màu đen sẽ lên không đủ sâu và dễ phai. Đến Da Bốn người thợ nhuộm bắt đầu chỉnh màu cho no đều, cây lụa được mang vào đập cho vỡ thớ sợi để màu nhuộm “ăn” thật sâu vào tận lõi tơ, màu đen bật lên nhưng nhức. Da Năm vẫn nhuộm tiếp, để bóng láng mặt vải, sau đó mang giặt và đập vải. Lúc này miếng vải đã gần như cố định về “nhan sắc”, nhưng cần cảm giác mềm mại mơn man – người ta sang Da Sáu: miếng vải được đập kỹ, giặt bằng nước sông Lãnh, phơi khô sau đó mang vào ủi thật phẳng phiu. “Không có con số chính xác về số lượt nhuộm mặc nưa, vì thời tiết xấu cây vải không ăn nhựa thì riêng Da Một đã phải nhuộm tới hơn 50 lần. Có được tấm lãnh Mỹ A lên sắc đen huyền lấp lánh, mát mượt trên da thịt, phải trải qua khoảng 100 lần nhuộm, 20 lần giặt xả, khoảng 10 lần đập vải…”- Nguyễn Hữu Trí bỏ hết cả ngón tay ngón chân ra đếm, rồi lắc đầu như bất lực trước sự nhiêu khê của những con số. Trí còn đếm được trên một mét lãnh có 13 ngàn sợi chạy ngang, nghĩa là cần 104 ngàn con kén được chập thành tơ. Làm sao người mặc có thể tưởng tượng ra mình mang trên người những tinh hoa của từng ấy kiếp tằm?

Từ lúc dệt cho đến khi nhuộm xong một miếng lãnh Mỹ A mất 4 tháng. “Với sự khó tính của cô Rose, chúng tôi phải làm ra loại lãnh đẹp hơn ngày xưa tới 10 phần” – ông Tám Lăng kể, đơn giản như thuật lại sáng nay vừa ngồi chỗ nào. Năm 1991, ra đời 500m lãnh đầu tiên theo “chuẩn của Rose”. Không đạt yêu cầu, Rose vẫn thu mua, vừa động viên vừa kèm cặp gia đình Tám Lăng hoàn thiện kỹ thuật dệt và nhuộm. 1992, số lãnh dệt được 1.000m, đạt 70% yêu cầu. Họ đồng hành cùng nhau đi chậm và chắc chắn, không sốt ruột, không nản lòng, không phân vân. Và từ 1995 thì lãnh Mỹ A đã đủ chuẩn để làm nguyên liệu cho nhiều nhãn thời trang xa xỉ của thế giới. Rồi Rose Morant rời Việt Nam, công ty của chị sang nhượng lại cho Hanoia – nhà chế tác sơn mài cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Tôn vinh và bảo toàn tinh hoa thủ công là con đường Hanoia lựa chọn, và những tình cảm cũng như cam kết “cưu mang” Lãnh, Hanoia đã đi tiếp nguyện vọng của Rose Morant. Người trung chính giữ lời Tám Lăng thì vẫn tuân thủ lời hứa ngày nào: chỉ dệt ra thứ vải tốt nhất.

Ông Tám Lăng hiện đã lui về nghỉ ngơi, cơ ngơi xưởng dệt trao lại cho con trai. Buổi trưa nắng chói, Trí đưa chúng tôi ra ruộng mặc nưa khoát tay chỉ: “Cả vùng trồng mặc nưa chỉ để bán cho nhà tôi. Nếu trúng mùa, số mặc nưa đủ nhuộm cho 10.000m vải, nhưng hiện nay nhà tôi chỉ làm 3.000m. Mình có thể dệt tới 6.000m, nhưng Hanoia rất cố gắng nhưng cũng chỉ bán được như thế. Tôi lo cho mặc nưa lắm. Người dân không bán được trái, họ sẽ đốn bỏ mặc nưa để trồng cây khác có lời hơn. Bên Campuchia mặc nưa đã bị xóa sổ rồi, chỉ còn vài vườn ở đất Tân Châu này…”

Thị trường bán lẻ trong nước thì sao? Trí lắc đầu buồn bã, thẩm mỹ sặc sỡ và thói quen tiêu dùng nhanh tiện không cho Lãnh Mỹ A khe cửa hẹp nào. Làm ra tấm lãnh đã cực nhọc, nhưng để dùng được nó cũng hầu đến khổ. Lãnh Mỹ A phải khâu tay, nếu dùng máy may nhất định phải là loại máy tốc độ cực chậm, dùng kim khâu đầu tròn – thì thớ lụa mới không bị xé ở đường may. Riêng tiền nguyên liệu để may lên một bộ váy đã hàng triệu bạc, lại chỉ có duy nhất màu đen, lại đòi hỏi thủ công toàn phần…, người “nhiễu sự” về chuyện mặc như thế đâu phổ biến.

Trí cầm cây lãnh lên vuốt ve, kể bằng giọng âu yếm mệt mỏi như khi người ta nói về một cục yêu: “Nó là loại rắc rối, lúc nhựa mặc nưa tốt nhất thì đúng mùa mưa dai dẳng, đẩy vải ra phơi ngong ngóng hong sấy chống mốc phát ốm, nhuộm đi nhuộm lại biết bao khổ. Lúc trời nắng đẹp, vải được nước phơi thì mặc nưa đã hết mùa, thứ quả ấy phải dùng ngay khi còn tươi nhựa, đâu cất giữ dành dụm được chờ ngày đẹp trời. Chỉ riêng chuyện kiếm chỗ phơi đã thấy Nó đỏng đảnh. Phơi trên cỏ, nhưng cỏ phải có độ cứng đủ để nâng vải hứng nắng, đồng thời phải đủ mềm để không xước vải, cả bãi phơi mênh mông như vậy mà từng ngọn cỏ cao bằng bặn như đo thước. Hình như càng khó khăn thì ba tôi càng thương nghề. Ổng chỉ sợ lúc mình già lẫn, tấm tình với nghề của bọn tôi không có người giữ nhịp, lãnh sẽ bị thờ ơ…”.

Tìm màu cho tơ lụa Tân Châu

Trí đang mang vác trách nhiệm người cuối cùng dệt lãnh Mỹ A. Thứ lụa huyền ảo và đẹp như một nỗi buồn này có thể sinh sôi tiếp diễn hoặc tuyệt mệnh – đều do Trí. “Cô Rose có mong ước làm sao lãnh Mỹ A đa sắc, nhưng với điều kiện màu nhuộm phải hoàn toàn thiên nhiên”. Ao ước bâng quơ của người phụ nữ Pháp gắn bó một lòng hồi sinh lãnh Mỹ A, với Trí như món nợ ân tình phải trả. Thì anh đi tìm màu nhuộm mới. Kỳ cạch suốt từ 1997, Trí lấy màu từ đất đá, vỏ cây, lá, củ, thân rễ, lõi gỗ… với các thử nghiệm cầu kỳ nhất mà anh có thể tưởng tượng ra. Tới 2003 Trí tìm được 7 màu mới cho lụa Tân Châu (lụa gốc chỉ có màu đen mặc nưa hoặc trắng ngà màu nguyên của tơ tằm). Cuối năm 2015 chúng tôi về Tân Châu, Trí mang bảng màu ra khoe. Lụa nhà Trí đã có 12 màu, nhưng anh vẫn mang nỗi niềm bất toại: “Màu từ thiên nhiên biến hóa khôn lường. Nhuộm lên màu thì dễ, nhưng làm sao để màu đó gia cố kết cấu vải thêm bền, bám màu không phai được như mặc nưa – tới giờ tôi vẫn chưa tìm được…”. Trí bị ám ảnh bởi tone xanh, thứ màu không thể giữ lại, diễm lệ và sẵn sàng phôi phai tan biến. Trí vẫn mơ về cây tràm cổ của đất Tân Châu, loài cây đã bị tuyệt diệt ấy theo lời kể của những người già thì nó chiết ra nhựa xanh ngắt và bám màu bền bỉ. “Biết đâu sẽ là một thứ Mặc nưa màu xanh??! Tôi nhất định phải đi tìm…”

Trong xưởng nhuộm của Tám Lăng có một bó chổi xuể bằng chét tay lấy về từ vùng núi Ninh Thuận. “Đó là cây chổi Tổ của người thợ nhuộm” – Trí thành kính nói. Cây chổi dùng để nhúng vào nước rồi vảy lên cuốn vải, cho vải đủ ẩm mới đưa vào máy đập. Người thợ nhuộm giỏi nghề phải biết coi chừng nhịp nước, nếu vải khô quá sẽ không ăn đủ nhựa mặc nưa, vải dư nước mặc nưa bị “ói” ra mất công nhuộm lại. Trong bí kíp truyền đời của nghề làm lãnh, không một ai dùng cách nào khác để vẩy nước cho cây vải. “Chúng tôi có niềm tin rằng chỉ dùng đúng cây chổi tổ, tấm lãnh Mỹ A mới trở nên mềm mại và bóng đẹp…”

Niềm tin là một thứ quyền lực vô hình vô ảnh nhưng chắc chắn đến mức kỳ vĩ. Biết đâu, ông Tám Lăng và giờ đây là Nguyễn Hữu Trí đã dấn thân vào vạn dặm độc hành hun hút của lãnh Mỹ A với niềm tin như một bóng mát trên đầu? Và biết đâu, chỉ với gia tài duy nhất là niềm tin, sẽ có ngày Trí tìm thấy cây Tràm cổ – hoang đường như một hóa thạch hồi sinh. Hẳn lãnh Mỹ A sẽ mang một nhan sắc mới với thứ “mặc nưa” kỳ lạ ánh lên màu diệp lục…

Nói là làm, anh Trí tạm gác nghề xây dựng và bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi đến làng nghề dệt thổ cẩm của bà con Khmer ở An Giang, Campuchia, sau đó đến các buôn làng Tây Nguyên để học bí quyết nhuộm màu. Mỗi khi tìm được một loại rễ, lá, hoặc vỏ cây làm thuốc nhuộm, anh hăm hở mang về thử nghiệm. Tuy nhiên, do chất liệu lụa Tân Châu khác với thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số nên không chịu bám thuốc. Suốt 3 năm miệt mài giã, nấu, ủ hàng vài chục các loại lá, rễ, quả, vỏ, thân cây rừng ở trong những môi trường, nhiệt độ, ánh sáng khác nhau, anh Trí đều thất bại. Nhiều đêm, thừ người ngồi nhìn đống lụa loang lổ màu như đống giẻ vụn, anh ngao ngán, thở dài...

Cho đến năm 2003, giấc mơ tìm màu cho lụa của anh Nguyễn Hữu Trí trở thành hiện thực. Đúng vào dịp sinh nhật 30 tuổi của mình, anh cho ra lò mẻ lụa màu hổ phách, rồi liên tiếp sau đó là màu cánh sen, ca cao, xám, đất, chàm, đỏ bóc đô.Lãnh Mỹ A | Thời trang bền vững Hity

Cả cây lụa được dệt từ một sợi tơ duy nhất

Lãnh Mỹ A | Thời trang bền vững Hity

Nhuộm lụa Lãnh Mỹ A từ trái mặc nưa

Tài liệu tham khảo: 

1. Báo Thanh Niên

2. Báo Người Lao Động

3. Tamson

Đang xem: Xứ tằm tang: Tơ lụa Tân Châu. Lụa Lãnh Mỹ A

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng