BLOG

Đời Sợi. Phần 1

Đời Sợi. Phần 1

Giới thiệu

Cơ thể chúng ta được bao bọc trong vải.

Có thể bạn đang ngồi trên ghế đệm của một toa tàu điện ngầm.

Có thể bạn đang nằm trên một chiếc sofa êm ái.

Cũng có thể bạn đang được quấn trong chiếc khăn tắm.

Hoặc bạn đang cuộn tròn trong chiếc chăn màu sặc sỡ.

Tất cả chúng đều được làm từ vải.

Vải - cả nhân tạo và tự nhiên - đã thay đổi, định nghĩa, phát triển và định hình thế giới mà chúng ta đang sống. Từ thời tiền sử đến những nền văn minh ở Trung Đông và Ai Cập cổ đại; qua những bộ long bào bằng lụa của các hoàng đế Trung Hoa đến những loại vải đã thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp như vải Calico và Chintz của Ấn Độ; và cuối cùng là  những loại vải được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, thứ cho phép con người du hành xa hơn và nhanh hơn bao giờ hết. 
 
Trong phần lớn lịch sử thành văn, bốn nguồn sợi tự nhiên chính - bông, lụa, lanh và len - đã là đối tượng để con người thoả sức trổ tài. Chúng được sử dụng để mang lại sự ấm áp và bảo vệ, phân định địa vị, tạo nên bản sắc và trang hoàng cho mỗi cá nhân cũng như cung cấp một phương tiện cho sự khéo léo và sáng tạo. 
Chúng ta sống trong vải vóc. Chúng ta được quấn vải ngay từ khi chào đời, và ra đi với tấm vải liệm phủ lên mặt. Chúng ta ngủ trong những lớp vải, rồi khi thức dậy, ta sẽ mặc thêm nhiều vải hơn để đối diện với thế giới và để thế giới biết ta là ai trong ngày hôm đó. 
 
Khi nói, chúng ta sử dụng những từ ngữ, cụm từ và phép ẩn dụ liên quan rất nhiều đến việc sản xuất sợi và vải. Ví dụ, những từ line (lót), lining (lớp lót), lingerie (đồ lót), từ LINEN (vải lanh). Thật thú vị, khi càng tìm hiểu về vải lanh Linen, chúng ta càng được dẫn dắt đến nhiều điều lớn lao, phong phú hơn là vỏ ngôn ngữ đang được hiểu lờ mờ. Để từ đó, chúng ta sẽ càng yêu quý tấm vải dệt từ ánh trăng hơn.
 

Sợi & Người

Người Hy Lạp cổ đại tin rằng số phận của con người được điều khiển bởi ba chị em Nữ thần Vận mệnh trong thần thoại, những người sẽ đến thăm mỗi đứa trẻ ngay sau khi chào đời. Clotho, người quyền lực nhất, sẽ dùng con suốt của mình bắt đầu xe sợi chỉ cuộc đời đứa trẻ; Lachesis sẽ cẩn thận đo độ dài của sợi chỉ; và rồi Atropos sẽ cắt đứt nó, quyết định khoảnh khắc một người sẽ chết đi. Không có người phàm hay vị thần nào có đủ quyền năng để thay đổi quyết định của các Nữ thần Vận mệnh một khi nó đã được định đoạt. Người La Mã gọi họ là ba chị em Parcae; còn người Norse (người Bắc Âu) gọi họ là ba chị em Nữ thần Norn. Câu chuyện cổ này vẫn còn để lại dư âm trong cách chúng ta nghĩ về bản thân cũng như xã hội ngày nay. Khi chúng ta nói rằng sự sống đang như "chỉ mành treo chuông" hoặc muốn giúp ai đó đang ở trong tình trạng "ruột rối như tơ vò", ta đang tiếp nối một truyền thống đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước. Vải vóc và các thành phần tạo nên chúng từ lâu đã trở thành những ẩn dụ cho rất nhiều điều trong cuộc sống của con người.
Những sợi chỉ mà các Nữ thần Vận mệnh đã xe là bất khả thay đổi. Ngay cả khi họ ban cho ai vương quốc mà hiện tại về tay kẻ khác, và dù kẻ kia có giết được chân mệnh thiên tử để đoạt lấy ngai vàng, thì người chết vẫn sẽ sống lại để hoàn thành mệnh lệnh của Số phận. 
- Flavius Philostratus. Life of Apollonius Tyana, thế kỷ 3 - 
Việc sản xuất vải vóc và quần áo luôn có một vị trí vô cùng quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế và văn hoá nào trên trái đất. Vải vóc cho phép nhân loại chọn lựa số phận của mình. 
 
Người ta tin rằng vào thời tiền sử, việc chế tạo trang phục ở các vùng ôn đới chiếm nhiều thời gian hơn cả việc làm gốm và sản xuất lương thực cộng lại. 
 
Ở Ai Cập cổ đại, vải linen - lanh được tôn sùng. Linen không chỉ là một phần trong cuộc sống hằng ngày của hầu hết mọi người - vì suy cho cùng, nó là loại vải phổ biến nhất dùng để may quần áo, và có rất nhiều người tham gia vào việc trồng cây lanh cũng như dệt vải lanh. Công việc này mang một ý nghĩa tôn giáo sâu sắc, đến mức trên thực tế, việc ướp xác và bó xác bằng những tấm vải được chuẩn bị đặc biệt, cũng như những tấm vải được truyền qua nhiều thế hệ, đã biến những thi thể bình thường trở thành thứ gì đó thiêng liêng.
 
Ngày nay, chúng ta hờ hững với vải vóc. Nhưng với tổ tiên của chúng ta, chính vải vóc đã cho phép con người có khả năng sống cũng như du hành qua nhiều vùng đất quá lạnh để có thể sống được. Việc trao đổi vải lụa sang trọng và vải len ấm áp qua những mạng lưới thương mại như Con Đường Tơ Lụa đã tạo điều kiện cho sự giao lưu về ý tưởng, kỹ thuật chế tác thủ công cũng như con người giữa các nền văn hoá khác nhau. Ước tính có hơn một triệu phụ nữ và trẻ em ở Anh từng được thuê làm công việc kéo sợi vào giữa thế kỷ 18. Vào thời kỳ cận kề Cách mạng Công nghiệp, thu nhập của những người này kiếm được có thể chiếm một phần ba tổng thu nhập của một hộ gia đình nghèo hơn. Trong trí tưởng tượng tập thể ngày nay, sự chuyển dịch kinh tế vĩ đại này gắn liền với thép và than; nhưng trên thực tế, nó được thúc đẩy phần lớn bởi ngành dệt và cây bông. "Bất cứ ai nói về Cách mạng Công nghiệp đều nói về cây bông." - eric Hobsbawn. Industry and Empire (Công nghiệp và Đế chế). Cây bông và loại vải dệt từ nó đã được xem là mặt hàng toàn cầu đầu tiên.
 
Ngày nay, chúng ta không còn chú ý nhiều tới nguồn gốc cũng như chất lượng từng trang phục chúng ta gặp trong đời sống hằng ngày. Nhưng chúng vẫn có tính cá nhân sâu sắc. Ví dụ, chúng ta dùng quần áo để ra dấu cho những người mình tiếp xúc ta là ai và ta muốn được nhìn nhận như thế nào. 
 
Các tầng lớp trong xã hội từ lâu đã được mã hoá bằng vải vóc - cả về pháp lý lẫn không chính thức. Ví dụ, việc kết hợp vải lanh và vải len là một vinh dự chỉ dành cho riêng các vị linh mục. 
 
Không có gì ngạc nhiên khi toàn bộ cấu trúc của thần thoại và cổ tích đều có liên quan đến ngành dệt may. Công việc dệt vải đặc biệt thuận lợi cho việc kể chuyện: những nhóm người, thường là phụ nữ, bị dồn lại chung một chỗ và phải làm một công việc lặp đi lặp lại suốt nhiều giờ liên tục. Trong hoàn cảnh đó, việc bịa ra và trao đổi những câu chuyện để giết thời gian là hoàn toàn tự nhiên. Điều này cũng lý giải vì sao các nhân vật liên quan đến xe tơ dệt vải lại xuất hiện thường xuyên cũng như được ban phước bằng những kỹ năng và thủ đoạn siêu phàm đến vậy. Lấy ví dụ về Penelope, vợ của Odysseus trong trường ca Odysey của Homer, người đã dùng việc dệt vải để làm cớ trì hoãn những kẻ cầu hôn Achaen xấc xược, những kẻ vây lấy nàng đông như châu chấu khi tin rằng chồng nàng đã chết. "Nàng giăng một tấm vải lớn lên khung cửi trong nhà và bắt đầu dệt nó - một sợi rất mảnh và rộng." Homer viết vào khoảng cuối thế kỷ 8TCN. "Ban ngày nàng sẽ liên tục dệt tấm vải lớn ấy, nhưng ban đêm, bên ngọn đuốc đặt cạnh khung cửi, nàng sẽ lại tháo nó ra. "Chiến thuật này đã tranh thủ được cho nàng ba năm trì hoãn - có lẽ điều đó đã cho thấy sự hiểu biết của đàn ông về nghề truyền thống này của phụ nữ ít ỏi tới mức nào.

Giao Thương

Mọi tấm vải đều bắt đầu từ một cuộn sợi xoắn (twist). Từ kéo sợi/ xe sợi (spinning) ngày nay gợi nhớ đến hành động quay tròn (twirling), giống như cách hoạt động của một đồ chơi con quay (spinning top), nhưng ban đầu nó có nghĩa là kéo và xoắn cùng lúc, tương tự kéo đường ở dạng sợi vòng quanh chiếc que để làm kẹo bông trong một hội chợ. Hành động tương tự được áp dụng khi xe các sợi xơ/ sợi đơn (fibre) mảnh bằng tay để tạo thành sợi thành phẩm (thread) chắc hơn và hữu ích hơn. Sợi xơ len, lanh hay bông - đều được kéo ra từ một khối nguyên liệu lớn, rời rạc và cùng lúc được xoắn lại thành sợi xoắn (yarn). Việc này đòi hỏi phải có sự tập luyện: Nếu không đều tay thì sợi thành phẩm sẽ bị nổi cục sần sùi trong khi thao tác quá nhanh hoặc quá châm thì thành phẩm sẽ bị quá mỏng hoặc quá dày. Vòng xoắn có thể theo chiều kim đồng hồ để cho ra sợi xoắn Z (X-twst) hoặc ngược chiều kim đồng hồ để cho ra sợi xoắn S (S-twist). Tuy nhiên, điều quan trọng là xoắn đúng độ: sợi xoắn quá lơi sẽ bị yếu nhưng nếu xoắn quá chặt thì sợi sẽ tự oằn lại, dễ thắt nút và rối tung lên khi thao tác với nó. Thợ kéo sợi (spinner) lành nghề là thành quả của nhiều giờ luyện tập lặp đi lặp lại và thường là dưới sự hướng dẫn của một người thầy giỏi sẵn sàng dạy cho học trò những điều tinh tế của nghề thủ công này. 
Tôi là thợ dệt, thợ dệt lành nghề, tôi có khung cửi có thể dệt những tấm vải tốt nhất.
Tôi dệt vải trơn, tôi dệt vải chéo, tôi dệt vải gấm, dệt cả satin; tôi tinh thông ngón nghề.
Tôi căng sợi dọc, tôi luồn sợi ngang, tôi đưa thoi, tôi đập sợi.
Tôi có thể quấn suốt, tôi có thể căng khung.
Tôi có thể dệt một tấm vải lanh xứng đáng tô điểm cho chiếc giường Hoàng gia.
Tôi nhấc gót lên và đưa thoi bay, tôi canh sợi khổ và sợi mành vào ngay.
- Dân ca dệt vải nước Anh - 
Có nhiều cách để xe sợi, và những phương pháp được người thợ lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào văn hoá, tính cách cá nhân cũng như sản phẩm họ muốn tạo ra và chất liệu họ đang sử dụng. Một số người xoắn sợi xơ giữa tay với ngón chân cái hoặc bắp đùi trong khi những người khác dùng con suốt (spindle) - một trục thường dài khoảng 30 cemtimet - thậm chí dùng một cây gậy có đầu móc. (Dùng con suốt cho người thợ một lợi thế bởi vì họ sẽ có chỗ để cuộn sợi thành phẩm ngăn sợi bị rối). Cùng một cộng đồng có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Sau đó, sợi thành phẩm có thể được sử dụng trực tiếp hoặc được chập thêm với những sợi khác để tạo thành một sợi dày hơn, khỏe hơn, thích hợp cho những công việc nặng hơn.
 
Một khi đã được xe xong, sợi thành phẩm có thể được dùng vào đủ loại mục đích: bện lại với nhau để làm dây hoặc thừng. đan hoặc, tất nhiên, để dệt. Dệt về cơ bản là quá trình đan xen các bộ sợi với nhau để tạo thành một tấm liền lạc. Theo truyền thống, sẽ có hai bộ sợi được dệt vào nhau theo góc vuông. Sợi dọc hay sợi khổ (warp) được căng cố định trên khung cửi để không bị rối, trong khi đó sợi ngang hay sợi mành (weft) sẽ được kiên nhẫn luồn qua. Có vô số cách để dệt các sợi lại với nhau. Cách đơn giản nhất là dệt trơn hoặc dệt tabby, trong đó mỗi sợi mành sẽ đi lên trên một sợi khổ rồi lại luồn xuống dưới sợi khổ tiếp theo. Những cách dệt phức tạp hơn, ví dụ những cách dệt mà sợi mành sẽ đi lên trên hoặc luồn xuống dưới nhiều sợi khổ, sẽ có thể cho ra những tấm vải với hoa văn và đường nét đa dạng. Ví dụ: vải chéo (twill), thường dùng để làm đồ denim, được dệt bằng cách cho sợi mành đi lên trên một sợi khổ rồi luồn xuống dưới hai sợi khổ khác (hoặc nhiều hơn); tấm vải hoàn thiện sẽ có những đường chéo in hằn và rất khó rách. 
 
Với các quy trình liên quan đến việc dệt vải rất tỉ mỉ cũng như các nguyên liệu thô rất mềm, mỏng manh và khó xử lý thì một loạt công nghệ đã được phát triển để hỗ trợ cho ngành sản xuất vải là lẽ tự nhiên. Một số công nghệ đi kèm với công đoạn xe sợi - ví dụ con suốt được nhắc ở trước và búp sợi (distaff), thứ được dùng để giữ số lượng lớn sợi thô chưa xe. Những công nghệ khác, ví dụ như khung cửi là một công cụ dùng để giữ căng các sợi khổ. Một trong những loại xuất hiện sớm nhất, khung cửi dây đeo (back strap), sử dụng trọng lượng của cơ thể người để tạo độ căng cho sợi. Một loại khác phổ biến ở Ai Cập cổ đại, được gọi là khung cửi sợi dọc (warp-weighted loom). Nó có một thanh ngang trên cao để treo các sợi khổ gắn một vật nặng ở đầu dưới mỗi sợi. Bất kể khung cửi được thiết kế như thế nào thì sợi mành cũng sẽ được luồn từ cạnh này sang cạnh kỉa của khung cửi để dệt nên tấm vải bằng từng sợi một. Về sau, một số thiết kế khung cửi phức tạp hơn ra đời, cho phép người thợ dệt có thể nâng một số sợi khổ lên để có thể nhanh chóng luồn sợi mành qua khe hở - được gọi là miệng thoi (shed) - chỉ trong một lần đưa thoi. Được gọi là khung dệt có trục nâng sợi (heddle loom), công nghệ này được sử dụng sớm nhất ở Ai Cập vào khoảng năm 2.000TCN.
 
Có rất nhiều phần việc cần thiết để sản xuất sợi và vải trong quá khứ mà giờ đây không còn được biết đến. Những người thợ không để lại ghi chép về công việc của mình, vì thế nhiều kỹ thuật cũng như kỹ năng của họ đã bị mai một cùng với những vật phẩm họ tạo ra. Những gì còn tồn tại đến nay tạo cho chúng ta một ấn tượng bất đối xứng. Ví dụ, những người dùng tay và đùi để xe sợi sẽ không hiện diện trong các tài liệu khảo cổ học, trong khi những người sử dụng một con suốt bằng đá để xe sợi thì ngược lại. Điều tương tự cũng đúng với các khung cửi: càng phức tạp và bền bao nhiêu thì chúng càng để lại nhiều dấu vết trong lịch sử bấy nhiêu. 
 
Công dụng rõ ràng nhất của vải vóc là để may quần áo, tuy nhiên sợi vải và vải còn có mặt ở nhiều nơi mà bạn không thể ngờ đến. Nếu bạn có một chiếc loa Google Home, có lẽ bạn đã nhận thấy rằng một phần của nó được bọc bằng loại vật liệu hỗn hợp giữa polyester và nylon sờ rất dễ chịu. Ngày nay, thiết bị công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đến mức sẽ không còn hợp lý nếu vẫn cứ làm chúng trông có vẻ góc cạnh và mang tính tương lai nữa. Thay vào đó, các nhà sản xuất muốn chúng hoà vào môi trường xung quanh chúng ta, đơn giản như một món đồ dễ thương khác trong nhà mà thôi: đó là lý do họ sử dụng sản phẩm dệt. Nghề dệt vải còn cổ xưa hơn nghề làm gốm hoặc luyện kim, và thậm chí có thể còn cổ hơn cả nghề trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Dệt vải là công nghệ nguyên thuỷ.
 
Những Sợi Mới
Này anh trai ơi, một khi anh đã mang cho em tấm vải lanh đã dệt,
Ai sẽ là người nhuộm nó cho em, ai sẽ nhuộm nó cho em,
Tấm vải lanh đó, ai sẽ là người nhuộm nó cho em?
- Tình ca của người Sumer, 1750 TCN - 
 
Trích Đời Sợi - Dệt Hình Hài Thế Giới (The Golden Thread: How Fabric Change History). Kassia St. Clair

Đang xem: Đời Sợi. Phần 1

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng