Thu Phân, một trong 24 tiết khí chính của năm, đánh dấu thời điểm mà ngày và đêm có độ dài gần bằng nhau, mở ra mùa Thu – mùa của sự chuyển mình nhẹ nhàng và lắng đọng. Đối với nhiều nền văn hóa, đây là thời khắc thiêng liêng, một dấu hiệu của sự cân bằng và hài hòa giữa tự nhiên và cuộc sống.
Tiết Thu Phân, diễn ra vào khoảng ngày 23 tháng 9 hàng năm, là một trong 24 tiết khí của lịch âm. Đây là thời điểm mà ngày và đêm có độ dài bằng nhau, báo hiệu mùa Hè dần khép lại và mùa Thu bắt đầu. Tiết này không chỉ có ý nghĩa về mặt khí hậu, mà còn mang trong mình những giá trị tinh thần và văn hóa sâu sắc.
Chỉ có 2 thời điểm trong năm mà về mặt kỹ thuật, độ dài ngày và đêm gần như hoàn toàn tương đương trên khắp hành tinh, đó là Xuân phân và Thu phân.
Thu Phân không phải một ngày, mà là một khoảnh khắc - và năm nay vào lúc 9h04 tối 22/9 giờ miền Đông Hoa Kỳ, hay 8h04 sáng 23/9 tại Hà Nội. Đây là thời khắc ngắn ngủi khi tia sáng Mặt Trời vuông góc với xích đạo Trái Đất, đánh dấu sự giao thời về thiên văn giữa mùa hè sang thu ở Bắc bán cầu và từ mùa đông sang xuân ở Nam bán cầu.
Tiết Thu Phân bắt đầu từ ngày nào?
Tiết Thu phân bắt đầu từ ngày 23 hoặc 24 tháng 09, kết thúc vào ngày 08 tháng 10 dương lịch. Tại thời điểm ngày đầu tiên của tiết khí này, mặt trời ở vị trí xích 180 kinh độ. Trong thời gian tiết Thu Phân, mặt trời chuyển động biểu kiến xuống phía Nam và đến vị trí xích đạo. Vào thời điểm 12h ngày đầu tiên của tiết Thu Phân, mặt trời tạo với tiếp tuyến của xích đạo một góc là 90 độ. Thực tế, trái đất chuyển động theo quỹ đạo quanh mặt trời và ở thời điểm này không có nửa cầu nào nghiêng về phía mặt trời nên lượng nhiệt độ, ánh sáng, thời gian chiếu sáng ở hai nửa cầu tương đương nhau. Thời gian ban ngày, ban đêm không có sự chênh lệch như các thời kỳ trước. Tại nửa cầu Bắc là thời điểm tiết Thu Phân thì nửa cầu Nam đang là giai đoạn giữa mùa Xuân.
Việc suy giảm ánh sáng Mặt Trời vào mùa thu cho đến đầu đông là lý do chính khiến lá cây chuyển vàng, đỏ và rụng dần.
Biểu tượng của sự cân bằng
Vào ngày Thu Phân, mặt trời chiếu thẳng lên đường xích đạo, khiến cho ngày và đêm có độ dài gần như bằng nhau. Không chỉ là hiện tượng thiên văn học, tiết Thu Phân mang theo ý nghĩa sâu sắc về sự cân bằng trong cuộc sống. Đây là lúc con người có thể tạm dừng lại, suy ngẫm về những gì đã qua và chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới.
Thời điểm tiết Thu Phân do sự dịch chuyển về phía Nam của mặt trời nên nửa cầu Bắc vẫn tiếp tục giảm nhiệt độ, ánh sáng, hơi nước và lượng nhiệt độ của trái đất đã tích lũy có xu thế tản ra để nhằm cân bằng với môi trường. Thời kỳ này do giảm mạnh các yếu tố tự nhiên nên các loài thực vật quang hợp kém, sự sống của muôn loài chuyển sang trạng thái tiềm ẩn, chờ đợi cơ hội mới.
Về thời tiết, khi bước vào Thu phân, không khí chuyển dần từ nóng sang lạnh. Vì vậy, mỗi người cần tự quan tâm đến sức khỏe của mình. Đặc biệt, người già và trẻ em cần giữ ấm cơ thể. Cũng bắt đầu từ tiết thu Phân, thực vật chuẩn bị bước vào trạng thái “ngủ đông”. Do đó, các nhân tố sinh sôi càng yếu đi, khí lạnh nhiều, âm thịnh.
Mùa Thu – Mùa của sự chín muồi
Tiết Thu Phân là khoảng thời gian mà các đặc điểm của mùa Thu được thể hiện rõ nét nhất, thời tiết trở nên dịu mát hơn, ánh nắng không còn gay gắt như mùa Hè. Buổi sáng, không khí mát lành hơn. Buổi chiều mát mẻ. Buổi tối mang rõ rệt hơi thở của mùa Thu se lạnh. Cây cối bắt đầu chuyển màu, lá vàng dần thay thế sắc xanh. Ở nhiều nơi, cây bắt đầu bước vào giai đoạn rụng lá, tạo nên bức tranh thiên nhiên thanh bình được bao phủ bởi một thảm lá vàng tuyệt đẹp. Bầu trời trong xanh hơn với những đám mây trắng nhẹ trôi, tạo cảm giác nhẹ nhàng và thư thái. Nhiều loài thực vật bắt đầu phát tán quả, hạt, bào tử sinh sản để duy trì nòi giống. Các loài động vật cũng tranh thủ khi thời tiết còn ấm áp để kiếm thức ăn dự trữ, giúp chúng tồn tại trong hang qua mùa Đông dài. Một số loài di cư di chuyển dần về phía Nam để tránh cái rét giá của mùa Đông đang dần tới.
Theo nông lịch, Thu Phân là thời điểm mùa màng chín rộ, báo hiệu vụ thu hoạch sắp tới gần. Những cánh đồng lúa vàng ươm, trái cây trĩu nặng trên cành, tất cả đều gợi lên hình ảnh của sự viên mãn và thành quả sau những nỗ lực, vất vả suốt mùa Xuân Hè. Thiên nhiên như đang tặng thưởng cho con người một cách hào phóng, trước khi bước vào những ngày Đông giá lạnh.
Nếu trước đây, bà con thường nghỉ ngơi, bỏ hoang ruộng đến vụ đông thì nay, kỹ thuật canh tác đã phát triển, người dân có thể trồng thêm các loại cây vụ đông và rau màu.
Tinh thần của sự chiêm nghiệm
Mùa Thu không chỉ là thời gian của sự kết thúc những ngày hè nóng bức mà còn là khởi đầu của một hành trình đang chuẩn bị tái sinh. Thu mở ra khoảng thời gian chúng ta nhìn nhận lại bản thân, thu xếp lại cuộc sống và tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn. Thu se lạnh, những cơn gió nhè nhẹ lùa qua từng tán lá, màu sắc vàng cam của cây cối gợi lên cảm giác hoài niệm, chiêm nghiệm.
Tiết Thu Phân không chỉ báo hiệu sự thay đổi của thời tiết, mà còn là lời nhắc nhở về sự tuần hoàn của thời gian và những giá trị tinh thần mà con người cần trân trọng. Khi ánh nắng nhẹ nhàng chiếu qua những tán lá vàng, mùa Thu lặng lẽ đi vào lòng người, mang theo những cảm xúc bình yên và dịu dàng.
Thu Phân trong văn hóa
Ở nhiều nơi trên thế giới, tiết Thu Phân được coi là thời điểm để tôn vinh sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống. Trong văn hóa Á Đông, tiết này còn mang thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Người ta thường dành thời gian để tri ân đất trời, tổ tiên và những điều bình dị trong cuộc sống.
Việt Nam, Trung Quốc: tiết Thu Phân là thời điểm mà người nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa. Đây cũng là lúc để cảm tạ đất đai đã nuôi dưỡng cây trồng trong suốt một mùa vụ dài. Trong những vùng quê, không khí của ngày mùa nhộn nhịp, hứa hẹn một mùa bội thu, đem lại niềm vui và sự ấm no cho mọi nhà. Thu Phân rơi vào khoảng thời gian gần cuối năm, không khí có phần dễ chịu và mát mẻ nên rất thích hợp các hoạt động ngoài trời. Một trong những lễ hội lớn là Trung Thu mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp gia đình, để tôn vinh mặt trăng và những điều viên mãn. Vào dịp Trung Thu, người dân thường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: múa lân, múa sư tử, đốt pháo hoa, rước đèn lồng,… Các gia đình cũng thường quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức bánh trung thu, trông trăng và trò chuyện.
Nhật Bản: Thu Phân là ngày lễ chính thức tại Nhật Bản, được tổ chức như một lễ hội truyền thống khi mà mọi người ở phương xa sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình và đi tảo mộ người thân. Tại Nhật Bản, người ta cử hành nghi thức **Higan** để tưởng nhớ tổ tiên và gia đình.
Lễ hội mừng thu hoạch tại Âu Mỹ: Vào tiết Thu phân để cầu mong cho mùa màng bội thu và cầu chúc những điều tốt lành cho tất cả mọi người. Người dân ở các quốc gia Âu Mỹ thường tổ chức lễ hội “Mừng được mùa” hay ở nước Anh còn có tên gọi khác là “Ngày trăng thu hoạch”.
Hãy tận hưởng mùa Thu với tất cả sự thanh bình và tĩnh lặng mà nó mang lại, để tự làm mới mình trước khi bước vào một chu kỳ mới của cuộc sống.
Viết bình luận