Wabi Sabi ngày nay không còn gói gọn là khái niệm trong lĩnh vực thiết kế nội thất, mà đã hình thành nên phong cách sống Wabi Sabi trong xã hội nói chung. Khi thế giới hiện đại phát triển, những tư tưởng văn hóa đặc thù cũng theo đó mà vượt ra khỏi biên giới địa phương và dần trở thành một phong cách, quan điểm mỹ học có tầm ảnh hưởng sâu rộng, phổ biến. Khái niệm Wabi Sabi trong kiến trúc và thiết kế dần trở thành một trường phái được yêu thích bởi cảm giác dễ chịu, yên bình mà nó mang lại. Wabi Sabi tôn vinh vẻ đẹp của sự không hoàn hảo trong tự nhiên.
Wabi Sabi là tổ hợp của hai từ ghép trong tiếng Nhật. Ban đầu, Wabi mang ý nghĩa của sự buồn bã, cảm giác đau khổ, trong khi Sabi miêu tả sự xuống cấp hay mờ dần đi sau nhiều năm tháng trôi qua. Dù hai từ này ban đầu gợi lên cảm giác u sầu và tiêu cực, nhưng khi được kết hợp, khái niệm Wabi Sabi lại khơi lên cảm giác ấm áp về một cuộc sống mộc mạc và an nhiên trong văn hóa Nhật Bản. Theo tác giả Kazuo Okakura trong cuốn sách “Thư trà”, Wabi cũng có thể hiểu là không hoàn thiện hoặc không hoàn hảo, nhưng có tiềm năng để cải thiện trong tương lai. Điều này khơi gợi cho mọi người một cảm giác chấp nhận điều đó một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, với lòng kiên nhẫn chờ đợi điều gì đến sẽ đến. Wabi biểu dương sự tinh tế và mộc mạc, nhấn mạnh sự đơn giản và tự nhiên mà không cần phô trương. Theo triết gia Alan Watts, Wabi còn mang ý nghĩa sự cô đơn và lẻ loi. Theo tinh thần thiền, người Wabi là người có thể tìm thấy hạnh phúc trong những điều nhỏ bé, không sân si, tham lam. "Sabi” có nghĩa là bông hoa của thời gian, dùng để chỉ vẻ đẹp của những thứ lâu đời – khái niệm về sự vô thường của cuộc sống xuyên thời gian. Sabi bắt nguồn từ một động từ tiếng Nhật là “sabu”, mô tả quá trình làm giảm giá trị hoặc mất đi vẻ hoàn mỹ theo thời gian. Sabi thường liên kết với hình ảnh của những nơi yên tĩnh và không có sự hiện diện của con người. Nó chỉ một cái gì đó tương tự như sự vô thường, tĩnh lặng và trầm ngâm của con người khi chứng kiến sự biến đổi không ngừng của vạn vật theo luật lệ tự nhiên.
Wabi Sabi là nghệ thuật tìm kiếm vẻ đẹp nguyên bản từ sự không hoàn hảo một cách tự nhiên, khiêm tốn và không xa hoa, không hoàn hảo và chấp nhận quy trình phát triển và suy tàn theo tự nhiên. Triết lý Wabi Sabi nói về thẩm mỹ của những thứ đang tồn tại là “Không hoàn hảo, vô thường và không hoàn thiện”, “sự không hoàn hảo là chính là vẻ đẹp” vì mọi sự vật trên thế gian đều không hoàn hảo. Chính điều đó tạo nên vẻ đẹp tự nhiên và duy nhất.
Wabi Sabi là một triết lý của Nhật Bản, nhưng nó lại xuất phát từ văn hóa Phật giáo Thiền truyền thống của Trung Quốc. Một số tài liệu khác cho rằng, vào thế kỷ 16, nhà sư Sen No Rikyu đã trở thành người đóng góp quan trọng trong việc phát triển nghi lễ trà đạo. Trong quá trình học nghệ thuật này, Rikyu được yêu cầu trông coi khu vườn của nhà sư trước khi trình bày tác phẩm của mình. Một ngày, trước khi trình diễn, Rikyu vô tình làm rơi một cây anh đào trong vườn. Những bông hoa anh đào từ trên cây rơi xuống và tô điểm cho mặt đất. Sự không hoàn hảo và tình cờ này đã tạo ra một cảnh quan đặc biệt, mang lại một vẻ đẹp độc đáo. Đó là lúc khái niệm về Wabi Sabi được sinh ra. Vào thế kỷ 15 và 16, các bậc thầy về trà Nhật Bản đã thể hiện cách làm này thông qua wabi-cha , một phong cách trà đạo nơi đồ gốm Nhật Bản không hoàn hảo được chọn thay vì đồ nhập khẩu Trung Quốc “hoàn hảo” hơn trong ngày. Trong khi lễ hội thứ hai cung cấp các chi tiết đặc biệt và thiết kế trang trí công phu đảm bảo sẽ gây ấn tượng với khách mời, lễ hội đầu tiên nói nhiều hơn đến bản chất thực sự của buổi lễ, đặc biệt là mục tiêu tạo cảm giác hòa nhập với thiên nhiên xung quanh.
"Wabi Sabi là vẻ đẹp của những điều bất toàn, vô thường và dở dang" - Leonard Koren - tác giả của cuốn Wabi-Sabi
Khái niệm Wabi Sabi bắt nguồn từ sự đơn giản và chân thực. Triết lý Nhật Bản giúp thoát khỏi nỗi ám ảnh hiện đại về chủ nghĩa hoàn hảo, thay vào đó là đón nhận sự không hoàn hảo theo cách có ý nghĩa hơn. Trên đời chẳng có thứ gì là hoàn hảo hay tồn tại vĩnh viễn, một chiếc bình vỡ cũng có vẻ đẹp riêng, một nếp nhăn cũng là cả câu chuyện đời người nên đừng cố tìm tới sự hoàn mỹ vì nó không tồn tại. Một phong cách sống chấp nhận những thứ không hoàn hảo, khiếm khuyết trong cuộc sống để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Dù cho mọi thứ có tệ hại tới mức nào, ta vẫn luôn nhìn được nét đẹp bên trong nó và dù cho mọi thứ có hoàn hảo ra sao, bên trong nó vẫn tồn tại những khuyết điểm chết người. Ví dụ những nếp nhăn ở khóe mắt của chúng ta tuy thoạt nhìn bị cho là xấu và già nua, nhưng chúng lại là kết quả của khoảng thời gian người ấy cười rất nhiều, hạnh phúc rất nhiều. Trong cuộc sống bộn bề hiện tại, ai cũng đi tìm thứ hoàn hảo, thứ tuyệt vời, một thứ gì đó ta có thể tự hào mỗi khi nghĩ tới. Thế nhưng, thứ này không hề tồn tại vì đằng sau vẻ hào nhoáng bao giờ cũng là những quá trình bi thương ai oán. Ví dụ như bạn cố gắng làm tốt công việc trên văn phòng, mọi thứ tuyệt vời khiến đồng nghiệp ngưỡng mộ, bạn sẽ chẳng có thời gian dành cho gia đình và sẽ không hiểu được sự hạnh phúc gia đình ra sao. Phong cách Wabi Sabi chính là triết lý hướng con người ta đến việc chấp nhận thực tại và trân trọng vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo. Thời gian trôi đi mọi sự có thể tàn phai, hư hao nhưng vun đắp trên đó lại là cái đẹp đã qua dòng lịch sử, là cuộc đời của một vật dụng có ích – góp cái đẹp, cái công năng và cả cái vui cho đời. Vẻ đẹp bất toàn đó chính là cốt lõi của sự sống, bên ngoài phai tàn đi nhưng bên trong đượm khí chất không gì có thể sánh bằng.
Giữa nhịp sống ồn ào và biến động không ngừng, lối sống Wabi Sabi là một nơi trú ẩn cho sự yên bình và sự bình tĩnh. Nó mang lại vẻ đẹp của sự thanh thản và an lành cho con người. Nó tập trung vào việc tìm kiếm vẻ đẹp từ sự khiếm khuyết và không hoàn mỹ. Đối lập với các xu hướng trang trí hiện đại, Wabi Sabi mang đến một cái nhìn mới. Nó không có mục đích sử dụng những vật liệu quý và xa hoa để thể hiện sự quyền lực như phong cách phương Tây. Thay vào đó, Wabi Sabi hướng đến những thứ đơn giản, tiết chế và trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của vạn vật. Nó nhấn mạnh rằng mỗi cá thể sinh ra đều có vẻ đẹp tự nhiên và không có cái gọi là xấu. Điều đó làm nên sức hút riêng biệt của mỗi cá thể.
"Hãy quên đi những thứ hoàn mỹ mà bạn vẫn thường mơ tưởng, một chiếc bình đẹp nhất cũng có vết nứt, vết nứt có thể đưa ánh sáng lọt vào. Quan điểm của Wabi-Sabi không ép bạn phải chấp nhận hay sống chung với những thứ không hoàn thiện, Wabi-Sabi nói về những thứ không hoàn thiện vì nó là sự thật, nó luôn ở đó và bạn hãy tập làm quen dần với nó đi." - Leonard Koren - tác giả của cuốn Wabi-Sabi
1. Hiểu rằng trên đời mọi thứ đều không hoàn hảo
Trong thiết kế nội thất hiện đại, những món đồ mới, xa xỉ không phải là tinh thần của Wabi Sabi. Thay vào đó, Wabi Sabi tôn trọng sự đơn giản và sự không hoàn hảo. Chẳng hạn, chiếc ghế không vuông vức do được làm thủ công, cành cây đã khô tự nảy mầm, những món gốm đã sứt mẻ, chiếc túi cầm tay đã qua sử dụng với lớp sơn bong tróc hay những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có thể được sử dụng làm đồ trang trí để làm sống động không gian sống. Wabi Sabi cho rằng mọi thứ trong thiên nhiên đều mang một nét đẹp riêng biệt. Sự không cân đối trong thiết kế Wabi Sabi giúp con người nhìn thấy những đặc điểm độc đáo và vẻ đẹp riêng trong từng món đồ; từ đó, có tư duy tích cực và cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Chọn phong cách sống Wabi Sabi, bước đầu tiên bản thân chúng ta hiểu rằng trên đời không có thứ gì hoàn hảo. Thay vì dành thời gian mỗi ngày tìm ra khuyết điểm trong những thứ bạn tưởng rằng tuyệt vời nhất, bạn có thể chấp nhận và tìm cách làm tốt lên mỗi ngày những điều chưa tốt của bản thân. Mọi thứ đều không hoàn hảo, chỉ thế thôi.
2. Tối giản hóa cuộc sống, giảm stress và hạnh phúc hơn
Điều quan trọng nhất trong phong cách này là sự đơn giản, bắt đầu từ vật dụng cá nhân và trong sinh hoạt hàng ngày. Khi trang trí nội thất, hãy tập trung vào chức năng, tính thực tế và độ bền, tránh mua quá nhiều đồ và trang trí quá mức. Wabi Sabi không chú trọng vào giá trị vật chất mà thay vào đó, nó tập trung vào sự bền vững và công năng của các vật phẩm. Không vứt bỏ những vật phẩm trầy xước hay vỡ nát mà lại hàn gắn chúng và để tiếp tục phục vụ mục đích của chúng. Bạn nên loại bỏ những món đồ không cần thiết trước khi thêm vào bất kỳ thứ gì vào không gian sống. Sở hữu quá nhiều vật phẩm có thể làm cho ngôi nhà trở nên quá tải. Quá trình tối giản vật dụng giúp bạn giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, buông bỏ những lo âu không cần thiết, tập trung vào những thứ cần thiết và quan trọng hơn. Đó cũng chính là học cách tiết chế nhu cầu và cảm xúc của mỗi người để đạt được trạng thái thanh thản. Để đạt được sự tĩnh lặng, cần phải loại bỏ những thứ không cần thiết và sử dụng đồ nội thất tối giản để tạo ra một không gian mở và hòa mình vào đó.
Khi gặp phải chuyện không vui, kém may mắn trong cuộc sống, thay vì u sầu ủ rũ, bạn vẫn có thể tìm ra vẻ đẹp sau những sự bất hạnh đó, dành cho mình thời gian để biết trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp sinh ra từ bất hạnh này. Chân lý của Wabi-Sabi chính là đề cao vẻ đẹp của những thứ độc đáo, từ một vết nứt trên chiếc bình đắt tiền hay một đầu việc bạn làm chẳng ra đâu vào đâu.
3. Tôn trọng bản thân và tôn trọng những gì mình có
Những nếp nhăn không làm bạn xấu đi. Hãy nhớ rằng những vết nhăn ấy là kết quả của khoảng thời gian dài hạnh phúc lẫn khổ đau trong đời người mà bạn có được. Những vết nhăn ấy chính là vẻ đẹp của những nụ cười, những giọt nước mắt qua bao năm tháng mà bạn gìn giữ, chứ không phải khiếm khuyết trên cơ thể.
Wabi Sabi nhấn mạnh rằng mỗi cá thể sinh ra đều có vẻ đẹp tự nhiên và không có cái gọi là xấu. Điều đó làm nên sức hút riêng biệt của mỗi cá thể.
4. Nét mộc mạc toát ra từ vật liệu tự nhiên
Wabi Sabi nhấn mạnh sự thay đổi và vô thường của mọi thứ. Nguyên liệu chính của phong cách Wabi Sabi chủ yếu đến từ các vật liệu hữu cơ. Đó là những tấm gỗ mộc, những tảng đá nguyên khối, kim loại thô, vải dệt thô, thổ cẩm sợi tự nhiên, hay đất sét. Vì những vật liệu này đến từ thiên nhiên sẽ cho bạn những trải nghiệm tự nhiên nhất, mang lại cho người sở hữu tâm trạng bình an và hạnh phúc.
Những món đồ thủ công cũng được xem là vật liệu tự nhiên vì chúng đều là vật phẩm trang trí có cảm xúc, chất chứa sự chân thành đến không gian sống, một chiếc ly uống trà của nghệ nhân Nhật Bản, len dệt bằng tay của mẹ, đồ các đồ đan lát mây tre của ông bà… ẩn sau nó là những câu chuyện mang đến chiều sâu trong tâm hồn.
5. Sự tinh tế và sâu sắc (Yugen):
Yugen là những gì không thể hiện bằng từ ngữ hoặc cảm nhận được bằng giác quan. Nó là vẻ đẹp sâu thẳm nằm bên trong. Wabi Sabi thể hiện sự tinh tế qua việc sử dụng vách ngăn mờ hoặc rèm cửa để tạo ra một chút bí ẩn, không chặn chúng khỏi tầm mắt.
6. Màu sắc, ánh sáng nhẹ nhàng như hòa cùng không gian
Màu sắc của phong cách Wabi Sabi đến từ thế giới tự nhiên nơi mọi vật sống hài hoà với nhau, mang lại sự bình yên, tĩnh lặng. Các tông màu theo phong cách này thuộc kiểu màu lặng không có nhiều hiệu ứng rực rỡ mà ngược lại tạo ra sự khuếch tán lớn và chìm hẳn vào không gian.
Những bảng màu trung tính như màu be, màu đất hay xám nâu là nơi mà chúng ta được màu của Wabi Sabi rõ nét nhất. Đây là bản chất nguyên bản của nó, màu của thiên nhiên, màu của đất cát, gỗ mục, màu của lớp vỏ cây đã sần sùi. Ánh sáng dịu nhẹ, khuếch tán ra không gian cùng với màu sắc hiền hòa, êm dịu, lắng đọng giúp ta đạt đến trạng thái tĩnh tâm bình lặng sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Viết bình luận