Lục bình, gọi quen thuộc là bèo tây, là một loài thực vật thủy sinh có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Loài cây này nổi tiếng với thân cây phình to, lá xanh mướt và hoa màu tím hoặc trắng đẹp mắt. Tuy thường được xem là "cỏ dại" trên sông nước, lục bình lại ẩn chứa nhiều giá trị tiềm năng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và thời trang.
Lục bình: vẻ đẹp mộc mạc từ thiên nhiên
Lục bình, có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, sau du nhập vào Việt Nam. Lục Bình phát triển tốt nhất với nước ấm và khí hậu ấm hơn. Cây lục bình có lá rộng, dày và trơn, có thể mọc cách mặt nước tới 1m hoặc 2m.
Lục bình sau khi phơi khô, lấy xơ làm đồ thủ công mỹ nghệ bền đẹp
Đặc điểm nổi bật của chất liệu lục bình:
Tính bền bỉ: sợi lục bình được lấy từ thân cây sau khi phơi khô, có độ bền cao tương đương với sợi bông, thậm chí vượt trội hơn lụa.
Tính thoáng mát: vải lục bình có khả năng thấm hút mồ hôi tốt và thoáng khí, mang lại cảm giác thoải mái khi sử dụng.
Khả năng chống nước: lớp sáp tự nhiên trên bề mặt sợi lục bình giúp vải có khả năng chống nước tốt, thích hợp để sản xuất các sản phẩm như túi xách, mũ, áo mưa,...
Tính thân thiện với môi trường: Sản phẩm từ vật liệu lục bình có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chứa hóa chất độc hại, vì thế chúng rất thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, vì chất liệu có tính bền, dễ dàng vệ sinh, và có thể tái chế, nó cũng góp phần giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.
Tính thẩm mỹ cao: ngày nay, trên thị trường có đa dạng những sản phẩm làm từ lục bình với nhiều mẫu mã, hình dáng, hoạ tiết khác nhau, đáp ứng được mọi nhu cầu decor theo sở thích của người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở việc đem tới sự trang trọng và ấm cúng, những sản phẩm còn tạo thêm giá trị nghệ thuật cho căn nhà của bạn. Với một chiếc thảm lục bình đặt trên nền nhà phòng khách, giỏ lục bình trồng cây xanh hay chiếc đệm làm ghế ngồi, một sản phẩm nhỏ có thể thay đổi hoàn toàn không khí trong gian nhà bạn. Vải lục bình sở hữu màu sắc tự nhiên đẹp mắt, cùng với độ bóng mịn và hoa văn độc đáo, mang lại vẻ đẹp mộc mạc và tinh tế cho các sản phẩm.
Giá thành hợp lý: đặc tính sinh sản nhanh của lục bình khiến cho loại nguyên liệu làm đồ thủ công này khá rẻ.
Mặt hàng nổi bật nhất được làm từ lục bình phải kể tới là thảm. Thảm lục bình là loại thảm được dệt hoàn toàn từ sợi lục bình tự nhiên, không kết hợp với các chất liệu nhân tạo nên mang đậm phong cách giản dị, mộc mạc.
Ngoài ra, lục bình được phơi khô và sử dụng trong các sản phẩm túi, hộp giỏ đan. Sản phẩm lục bình được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, thường làm để xuất khẩu
Nghề đan lục bình: món quà từ thiên nhiên, sáng tạo từ bàn tay con người
Trong nghệ thuật chế tác các sản phẩm lục bình, có một nguyên tắc căn bản, đó là không sơn màu, mà phải giữ nguyên màu tự nhiên của nó. Nếu muốn cho sản phẩm có màu sắc, người ta phải nhuộm cây nguyên liệu trước khi đan sản phẩm, giống như nhuộm cây lác trước khi dệt chiếu.
Tuy nhiên, cách làm này ít thông dụng. Để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, người ta thường sử dụng các vật liệu trang trí như hoa cỏ khô, các loại dây, thừng hoặc các loại hạt cườm bằng nhựa hoặc thủy tinh để kết hoa lá lên các sản phẩm lục bình. Cách làm này đặc biệt được ưa chuộng trên thị trường ở nước ngoài.
Cho đến nay, có hai hình thức đan sản phẩm lục bình rất đơn giản: Đan thảm lục bình, hay còn gọi là đĩa lục bình và đan khung lục bình. Có ba kỹ thuật đan lục bình cơ bản, mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau.
1. Đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na: đan kệ để báo và tạp chí
2. Đan xương cá: thường được ứng dụng để đan thảm
3. Đan rối, hay còn gọi là đan nhện: đan khung, đẹp hơn đan hạt gạo nhưng cũng khó thực hiện hơn. Đến nay, kiểu đan này mới chỉ phổ biến ở vùng Cái Bè, Tiền Giang, còn ở các địa phương của Vĩnh Long chủ yếu ứng dụng hai kiểu đan hạt gạo và đan xương cá.
Tùy theo từng địa phương, từng cơ sở mà người ta đan những sản phẩm khác nhau. Nếu Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, chuyên đan thảm lục bình thì ở huyện Cái bè, tỉnh Tiền Giang, người ta lại đan chủ yếu là các mặt hàng đan khung. Mặt hàng này tương đối phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ v.v…
Cây lục bình thường trôi lang thang trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh các cù lao. Cũng có khi cây lục bình lớn lên trong các mương vườn. Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 cm. Đó chính là lúc thích hợp để thu hoạch cây lục bình.
Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình.
Ngày nay, nghề đan lục bình bước đầu đã phát triển tương đối mạnh ở một số địa phương trong các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long. Nghề đan lục bình tạo ra công ăn việc làm, làm tăng thêm thu nhập cho người nông nhàn ở thôn quê, trở thành nghề mưu sinh cho hộ gia đình. Những người đan lục bình phần đông là chị em phụ nữ ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng người thợ khéo tay, chịu khó khi đã quen tay quen việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Hơn hết, công việc này luôn có quanh năm. Nghề đan lục bình đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, là cứu cánh của nhiều lao động nhàn rỗi. Cây lục bình đã được đặt tên là cây xóa đói giảm nghèo. Trên thị trường hiện nay, nhu cầu về sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều, có nghĩa là nghề đan lục bình vẫn đang có cơ hội để phát triển mạnh trong tương lai. Làng nghề thủ công mỹ nghệ huyện Kim Sơn, Ninh Bình, đang ngày càng phát triển nghề đan lục bình với mô hình làng nghề, các doanh nghiệp đã và đang ngày càng hoàn thiện, phát triển chuyên nghiệp để đưa các sản phẩm với chất lượng tốt nhất, phù hợp với thị hiếu tới tay người tiêu dùng, và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, đối với những người lao động nghèo muốn dựa vào nghề này để phát triển kinh tế gia đình, coi đó như là một nguồn thu nhập ổn định thì hiện đang đứng trước hai khó khăn lớn. Thứ nhất là về đồng vốn. Họ cần có tiền để mua cây lục bình nguyên liệu, trữ lại để sử dụng trong mùa mưa hoặc vào những lúc khan hiếm nguồn hàng trên thị trường. Khó khăn lớn thứ hai là nguồn hàng nguyên liệu. Ngày nay, cây lục bình trong tự nhiên đang ngày càng ít đi. Ví dụ ngay tại Vĩnh Long không có nơi nào cung cấp cây lục bình nguyên liệu. Còn các hộ gia đình tại các địa phương cũng cho biết, việc khai thác cây lục bình trong tự nhiên giờ đây cũng không còn dễ dàng như trước kia nữa. Muốn tìm được cây lục bình, họ phải tập trung thành đoàn, dùng ghe đi tìm ở những địa bàn xa mới hy vọng có được nguồn hàng...
Từ thực trạng trên, cần cả những người làm nghề và người quản lý cùng nhau nhìn về một hướng để cải thiện. Trước hết, đối với những người trực tiếp liên quan đến nghề đan các sản phẩm lục bình thì đã đến lúc họ phải tính đến khả năng trồng cây lục bình nguyên liệu để thay thế cho việc khai thác cây lục bình trong tự nhiên. Cây lục bình không khó trồng. Từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng ba tháng, không cần nhiều công chăm sóc. Thứ hai, ở góc độ quản lý, thì việc một loại cây hoang dại trong tự nhiên, cách nay năm, mười năm hầu như còn là một loại cây vô danh như cây lục bình mà đến nay cũng bị khai thác cạn kiệt đặt ra một vấn đề đáng phải suy nghĩ: đó là vấn đề về sự cộng sinh giữa con người với môi trường.
Vải sợi từ cây lục bình
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Rattanakosin (RMUTT), Thái đã thành công trong việc phát triển sợi tự nhiên từ thân lục bình để tạo ra các sản phẩm dệt may sáng tạo.
Nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư Tiến sĩ Sakorn Chonsakorn cùng với Phó giáo sư Tiến sĩ Rattanaphol Mongkholrattanasit và Giá sư Supanicha Srivorradatpaisan thuộc Khoa Dệt May, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thực phẩm thuộc Đại học RMUTT thực hiện. Dự án nhận tài trợ từ Viện Dệt May Thái Lan, tập trung vào việc chiết xuất sợi lục bình bằng phương pháp cơ học, kéo sợi, dệt vải và tạo ra các sản phẩm dệt may từ vật liệu này. Nghiên cứu phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị cho nông sản.
Ưu điểm sợi lục bình:
- Lục bình là loại cỏ mọc hoang nhưng có khả năng hấp thụ Nitơ hữu cơ cao hơn các loại khác.
- Thân lục bình chứa lượng lớn sợi dài, phù hợp để sản xuất sợi dệt.
- Thành phần hóa học: cellulose 50.38%, lignin 2.25%,…
- Đặc điểm: sợi dài 30-50 cm, màu trắng kem, đường kính 50 µm, bề mặt phức tạp, mềm mại.
Quy trình sản xuất sợi lục bình:
- Thu hoạch: lục bình sau khi thu hoạch thân từ sông, kênh có chiều dài khoảng 50 cm, được cắt bỏ rễ, lá rồi phơi khô.
- Chiết xuất sợi: sử dụng máy tách sợi bán tự động để tách lớp vỏ ngoài của thân lục bình, thu được sợi dài. Sợi được sấy khô tự nhiên.
- Kéo sợi: sợi lục bình sau khi xử lý có độ dài trung bình 8.45 cm, độ bền kéo trung bình 9.36 gf/denier. Sợi thường được kết hợp với sợi rayon hoặc polyester để tạo thành sợi hỗn hợp có khả năng hút ẩm và độ bền tốt.
Sản phẩm từ sợi lục bình:
- Sợi tơ từ lục bình có thể dùng để dệt vải thoi và vải dệt kim.
- Sản phẩm dệt may đa dạng: quần áo, mũ, giày, đồ dùng gia đình, khăn trải bàn.
Ưu điểm của sợi lục bình:
- Nhẹ, thoáng mát, phù hợp may mặc.
- Thân thiện môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có.
- Tạo ra các sản phẩm dệt may độc đáo, gia tăng giá trị kinh tế cho ngành dệt may
Lục bình có đặc tính sinh trưởng nhanh, trôi nổi tự do, lan toả nhanh trên khắp bề mặt nước từ châu Á đến châu Phi. Sự lan nhanh của loài cây này ở nhiều vùng của châu Phi trong suốt thập kỷ qua đã gây ra mối lo ngại rất lớn. Nếu không được kiểm soát thì lá lục bình sẽ chặn ánh sáng mặt trời, làm giảm hàm lượng oxi trong nước và giết chết cá. Hơn nữa, lục bình còn làm tắc dòng chảy, giảm sự đa dạng sinh thái và cản trở giao thông đường thuỷ. Khu vực sống của lục bình còn là môi trường sống hấp dẫn của muỗi gây bệnh sốt rét và là nơi ẩn náu của ốc sên gây bệnh sán. Holia Onggo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Vật lý thuộc Viện khoa học Indonesia cho rằng: “Nếu được tận dụng tốt, lục bình có thể trở thành nguồn thu nhập của nhân dân”. Bà cũng cho biết thêm, người ta cũng đã tìm thấy một số công dụng hữu ích ở loài cây này. Ví dụ như: thân cây có thể dùng làm đồ nội thất, giấy và hàng thủ công, hoặc được sử dụng để tạo ra phân bón, khí ga. Khí ga được chuyển hóa từ chất hữu cơ mục nát trong điều kiện không có oxi. Onggo cũng tham gia vào chương trình đào tạo nhân dân địa phương đưa lục bình trở thành nguồn lợi đáng kể, bà cho biết: “Không có đòi hỏi gì về yêu cầu kỹ thuật để sản xuất nguyên liệu thô từ lục bình”.
Lục bình, từ một loài "cỏ dại" trên sông nước, đã trở thành nguồn nguyên liệu quý giá trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và thời trang. Với những đặc tính ưu việt và ý nghĩa to lớn, lục bình hứa hẹn sẽ tiếp tục được khai thác và phát triển, góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Scidev.net | langnghe.org
Viết bình luận