Cẩm tâm tú khẩu - Lòng như gấm miệng như thêu
Nghệ thuật thêu họa tiết trên trang phục đã đưa thời trang bước vào một 'thế giới vô tận' của sự sáng tạo. Bên cạnh tính thời trang, họa tiết thêu cũng mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng cho mỗi quốc gia, mỗi triều đại, mỗi thời kỳ, mỗi thương hiệu.
Hôm nay, chúng ta cùng quay trở về ngày xa xưa một chút, khi nghề thêu được sinh ra, và những thăng trầm để môn nghệ thuật tinh hoa này luôn đứng một vị trí nhất định trong bản đồ nghệ thuật thế giới.
Lấy vải làm giấy, lấy sợi làm mực, lấy kim làm bút - kỹ nghệ thêu tay
Nghề thêu tay truyền thống của Việt Nam
Ông tổ Lê Công Hành
Nghệ thuật thêu tay Việt Nam xuất hiện từ giữa thế kỷ XVII, kế thừa từ Trung Hoa.
Trước thế kỷ 18, người Việt đã biết nghề thêu và làm lọng từ lâu. Sử cũ từng ghi vào thời Trần, vua quan quen dùng đồ thêu và lọng. Năm 1289, vua Trần đã gửi tặng vua Nguyên một đệm vóc đỏ thêu chỉ vàng, một tấm thảm gấm viền nhiễu. Tháng Giêng năm Quý Tỵ (1293), Trần Phu trong đoàn sứ nhà Nguyên sang Đại Việt có nhận xét: "Về phẩm hàm của các quan Đại Việt, ai cao ai thấp cứ nhìn vào lọng mà phân biệt. Hễ là khanh tướng thì đi ba cây lọng xanh, bậc thấp hơn thì đi hai lọng, rồi một lọng. Còn như lọng tía thì chỉ có những người trong hoàng tộc mới được dùng".
Tuy vậy, nghề thêu ở Đại Việt trước thế kỷ XVIII còn đơn sơ, quanh quẩn với những màu chỉ ngũ sắc và chỉ kim tuyến, làm những mặt hàng phục vụ cho vua, quan, cho nhà chùa (thêu mũ, mãng, triều phục, nghi môn, cờ phướn…). Trong ngôi mộ cổ đào được ở Vân Cát, Nam Hà, có niên đại khoảng thế kỷ 18, người ta thấy: bên cạnh cái quạt, có một túi trầu bằng gấm thêu kim tuyến, một túi đựng thuốc lào cũng bằng gấm thêu kim tuyến.
Theo ghi chép, ông tổ nghề thêu của Việt Nam là cụ Lê Công Hành (18/01/1606 – 12/06/1661), sống thời Hậu Lê. Ông tên thật Trần Quốc Khái, người huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Tương truyền, từ nhỏ ông đã có tiếng ham học và hay chữ. Lớn lên, ông thi đỗ Tiến sĩ (vào khoảng triều vua Lê Thần Tông hoặc Lê Chân Tông). Sau khi ra làm quan, ông được triều đình bổ dụng vào các chức vụ từ biên quận đến triều đình, thăng dần lên hàng Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Minh.
Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Để thử tài sứ thần nước Nam, quan quân nhà Minh không dẫn ông đi đường chính mà lại dẫn theo đường tắt. Đến một vùng rừng núi và thung lũng thì hết lương ăn, ông bèn cho chặt tre, đan thành những cái dậm, sai quân lính xuống suối kiếm cá và lên rừng tìm trái cây. Nhờ vậy, đoàn sứ bộ của ta vượt qua quãng đường rừng núi mà vẫn khỏe mạnh như thường. Sau khi hoàn thành công việc ngoại giao, vua Minh muốn thử tài trí của sứ thần một lần nữa, bèn sai dựng một cái lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Trần Quốc Khái vừa lên tới nơi, quân Minh dưới đất cất thang đi. Ở trên lầu suốt một ngày, ông chẳng thấy ai đem cơm nước đến. Đưa mắt nhìn quanh, ông chỉ thấy có cái bàn thờ. Trước bàn thờ, hai cái lọng xanh, đỏ trông rất đẹp; trên cao treo bức nghi môn diềm màn thêu rồng phượng và nổi 3 chữ “Phật tại tâm” (Phật ở trong lòng). Ông Phật Di lặc, bụng to, sơn đen được đặt giữa bệ bàn thờ. Dưới chân bệ, một cái chum to đựng nước cúng và trong góc dựng hai cây tre, một con dao, hoàn toàn không có thức ăn. Một ngày trôi qua, bụng đói mà không có cơm ăn, chỉ có chum nước, ông nghĩ có nước uống tất phải có cái ăn. Quay ra ngắm bức tượng, tò mò xem thử xem nó làm bằng gì, ông lấy móng tay cậy vào lưng Phật thì thấy bật ra một mảng con, lấy tay bóp vụn ra được như bột. Ông đưa lên miệng nhấm thử thì thấy ngọt, hóa ra tượng làm từ bột bánh khảo (có tài liệu nói rằng tượng nặn bằng bột chè lam). Từ đó ngày hai bữa, ông cứ bẻ dần tượng Phật mà ăn. Ngồi không buồn quá, Trần Quốc Khái bèn chẻ tre, vót nan, quan sát kỹ cách làm lọng và nhập tâm các chi tiết. Khi đã biết cách làm lọng rồi, ông lại hạ bức trướng xuống, tháo các đường chỉ kim tuyến xem cách thêu, rồi lại dùng chỉ đó thêu vào. Lúc hoàn tất, ông ngắm nghía thấy nét chữ thêu giống hệt như cũ. Ăn hết pho tượng và uống gần hết chum nước, Trần Quốc Khái tìm cách xuống. Buổi chiều ngồi ngắm trời mây, thấy những con dơi xòe cánh chao đi chao lại như chiếc lá, ông nghĩ đến hai cái lọng cắm trên lầu, rồi ôm lọng nhảy xuống đất bình an vô sự. Trước tài trí ứng xử linh hoạt của sứ thần Đại Việt, triều đình nhà Minh vô cùng kính phục, bày tiệc lớn tiễn đưa đoàn sứ về nước.
Bằng sự tài trí và ứng xử ngoại giao không ngoan, sau khi về nước, Trần Quốc Khái được phong tước, thăng lên chức Công bộ thượng thư thái bảo, được đổi họ Lê nên mới có tên khác nữa là Lê Công Hành.
Sau khi về nước, ông truyền nghề lại cho con cháu và người dân làng mình, sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên. Từ đó nghề thêu ở Quất Động được nhiều người biết đến nơi đây dần trở thành nghề truyền thống của cả vùng. Bên cạnh đó, ông cũng dạy lại cách làm lọng cho người dân. Nghề thêu và làm lọng ngày càng trở nên phát triển. Hậu duệ ông tiếp tục phát triển nghệ thuật này, khiến làng Quất Động trở thành trung tâm nghệ thuật thêu truyền thống.
Lễ giỗ tổ nghề của những làng sinh sống bằng nghề thêu tại Việt Nam thường được tổ chức vào ngày giỗ hàng năm của ông. Chỉ riêng tại Huế, lễ tế Tổ sư nghề thêu Lê Công Hành tại phổ Cẩm Tú - Huế lại được tổ chức vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hằng năm và ngày mồng 4 tháng Sáu âm lịch là ngày kỷ tổ.
Nghệ Nhân
Thêu thùa không chỉ là một loại kỹ năng biểu hiện ra vẻ đẹp hoàn mỹ trên từng đường kim mũi chỉ, mà còn là một hình thức tu dưỡng đạo đức, lĩnh ngộ được nội hàm bên trong. Người nghệ sĩ chân chính phải dùng chính tâm để đạt được sự thanh tịnh, nội tâm thuần chính, tâm hồn an nhiên, vận dụng nhuần nhuyễn cả bàn tay và trái tim mới có thể tạo ra những tác phẩm hoàn mỹ.
Cho đến thời phong kiến, thêu tay là một trong những nghề phục vụ cho Vua chúa và giới Quý tộc. Sản phẩm thêu được hoàn thành bởi những chất liệu chỉ vải do công sức sáng tạo của những người nghệ nhân Việt Nam. Những sợi chỉ lúc đó được nhuộm bằng công thức thủ công với chất liệu hoàn toàn thiên nhiên như củ nâu, cây chàm, vỏ bàng, nước điệp, lá vông, đá mài, hoa hòe ... khiến cho người nước ngoài phải cảm phục để nhận định rằng:
"Nhìn những màu nước nhuộm của các cô thợ thấy rất đơn giản không ngờ đến khi nhuộm xong đều đủ hết một bảng màu vô cùng lạ lùng tưởng như phù phép mới có được".
Trong thời kỳ đó nghề thêu thường là do người phụ nữ Việt Nam đảm trách, theo quan niệm của Nho giáo, người con gái phải hoàn thiện được tứ đức: "Công, Dung, Ngôn, Hạnh":
“Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may.”
Làng nghề
Thêu Tay Huế - Diệu kỳ Tinh tế
Thời phong kiến, đại đa số phụ nữ cả nước đều biết thêu, tuy nhiên tập trung và có tính chuyên nghiệp từ lâu đời là ở Huế. Khi triều đại nhà Nguyễn xây dựng ở Cố Đô Huế, bà Hoàng Thị Cúc, mẹ Vua Bảo Đại, cùng với Nam Phương Hoàng Hậu đã kết hợp những ưu điểm của kỹ thuật thêu Châu Âu với những tinh hoa của nghệ thuật thêu Châu Á để biến nó trở thành nghệ thuật thêu của Cung Đình, gắn liền với những đặc điểm thùy mị, tinh tế, tỉ mỉ của người con gái xứ Huế. Các sản phẩm của họ không chỉ là trang trí, mà còn là biểu tượng của sự thịnh vượng và văn minh.
Nhiều nơi đã truyền lại cho con cháu những ngành nghề lạ lùng là vẽ hình bằng chỉ làm cho bông sen, bông tử nở trên lụa, làm cho bươm bướm lượn trên mặt nước trong xanh, người thợ thêu An Nam khéo léo hơn người thợ thêu Trung Quốc về đường kim mũi chỉ và cách pha màu sắc..." - Gabrielle học giả người Pháp, chuyên nghiên cứu văn hóa Á Đông.
"Người thợ thêu Việt Nam tỏ ra rất khéo léo trong việc phân bổ màu sắc trên lụa, để có những bức tranh thêu hòa hợp không chát chúa". - Hocquard soạn giả sách nói về nghề thêu cuối thế kỷ XIX nhận định
Tranh Thêu XQ - Nghệ Thuật Đỉnh Cao
Đầu thập niên 90, tranh thêu lụa Việt Nam dần dần vươn đến đỉnh cao nghệ thuật, khi công ty XQ bắt đầu thành lập. Vợ chồng nghệ sĩ, nghệ nhân Võ Văn Quân và Hoàng Thị Xuân đã vạch một hướng đi mới cho ngành nghề bằng cách kết hợp các đặc điểm của nghệ thuật hội họa, với những tinh hoa của kỹ thuật thêu cổ truyền mà chị Hoàng Thị Xuân - xuất thân từ một gia đình gốc Huế - đã thừa hưởng và sáng tạo.
Sự chân thực trong từng chi tiết của tranh thêu XQ cùng vẻ đẹp được tạo nên từ những đường nét thêu tay tỉ mỉ đã khiến dòng tranh này nức tiếng không chỉ ở trong nước, mà còn được yêu thích ở nước ngoài, đặc biệt là đối với những khách hàng yêu thích các sản phẩm thủ công độc đáo, giàu tính thẩm mỹ nghệ thuật.
Ngay từ khi mới được thành lập hồi năm 1996, XQ đã đặt ra mục tiêu đưa dòng tranh thêu truyền thống lên một đẳng cấp mới, sứ mệnh này đã được XQ thực hiện đầy ấn tượng.
Từ tranh khắc họa hoa lá theo mô-típ truyền thống, tới tranh phong cảnh hay tranh chân dung đặc tả chi tiết, các nghệ nhân thêu tranh của XQ đều đưa lại sự chân thực cho tác phẩm bằng những đường nét chỉ thêu mềm mại và sự kiên trì, nhẫn nại đòi hỏi sự tôi rèn qua thời gian.
Oddity Central nhận định những bức tranh thêu XQ có thể xem như một hình thái nghệ thuật thị giác mà nhiều khi ngôn từ là không đủ để miêu tả được hết vẻ đẹp của tác phẩm.
Tuy nhiên, cho đến hiện nay, số lượng làng nghề thêu truyền thống hiện tại còn không nhiều. Nguyên nhân chính là sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghiệp. Dù vậy, những làng nghề nghệ thuật truyền thống vẫn đang nỗ lực giữ vững nghề thêu của mình như Thắng Lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phú Xuyên, Cổ Đông, Đông Cứu, Bình Lăng (Hà Nội); Minh Lãng (Thái Bình), Thanh Hà (Hà Nam), Kim Long, Thuận Lộc (Huế), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…
- Làng thêu Thường Tín (Hà Nội): từ cái nôi là xã Quất Động, nghề thêu đã lan sang các xã lân cận: Đông Cứu, Thắng Lợi. Từ bao đời nay, ngoài thời gian đồng áng người dân nơi đây lại miệt mài bên khung cửi. Nhiều bé gái được bà, được mẹ chỉ cho cách cầm kim thêu ngay từ khi còn chưa biết đọc. Ngày nay, nhờ công nghệ nghề thêu cũng được hỗ trợ ít nhiều. Ví như chỉ thêu trước kia vốn hạn chế về màu sắc thì nay nhuộm màu dễ dàng hơn.
- Làng thêu Văn Lâm: nằm cạnh Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Dọc hai bên đường vào làng là các cửa hàng san sát bày bán các sản phẩm như khăn tay, áo, tranh đều được những người thợ tỉ mỉ thêu từng đường kim mũi chỉ với những hình ảnh đẹp, bắt mắt. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến sản phẩm tranh thêu, chủ yếu là tranh về phong cảnh, quê hương, đất nước. Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm có trên 700 năm tuổi. Tương truyền rằng nghề thêu xuất hiện từ khi Vua Trần thắng giặc Nguyên Mông, dân làng đã được bà Trần Thị Dung dạy cho cách chăn tằm, dệt vải, thêu thùa. Thế kỷ 20, trong làng có hai anh em người dòng họ Đinh lên Hà Nội học thêm nghề thêu ren, rua của người Pháp về dạy cho dân làng. Từ đó đến nay sản phẩm thêu tay của Văn Lâm phát triển mạnh mẽ. Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính nhân văn thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem sản phẩm tình yêu đối với non sông gấm vóc.
- Người Mông - Mỹ Á: Mỹ Á với những nếp nhà kiên cố, khang trang, những con đường được bê tông hóa, cuộc sống dần thay đổi nhưng nghệ thuật thêu truyền thống vẫn được gìn giữ bởi bàn tay khéo léo của những phụ nữ Mông coi thêu thùa như bổn phận phải lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Ngay từ khi còn nhỏ, bé gái Mông đã được các bà, các mẹ dạy thêu thùa trên những tấm vải lanh, các cô gái đến tuổi “cập kê” đã tự thêu được cho mình được những bộ váy áo sặc sỡ, đẹp mắt mang theo về nhà chồng. Cầm trên tay những chiếc váy, áo, thắt lưng... được thêu bằng len ngũ sắc rực rỡ mới thấy được sự tỉ mỉ, sáng tạo của những đôi bàn tay khéo léo vẫn quanh năm gắn bó với nương rẫy. Mỗi họa tiết đều mộc mạc, gắn liền với đời sống và tinh thần của đồng bào Mông. Họa tiết chủ yếu là các hình vuông, chữ thập, đinh, quả trám, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh, hoa bí, hoa mận, hoa đào... Một số hoa văn đặc biệt, thường được dùng để thể hiện ý nghĩa riêng như hình thêu con ốc sên có ý nghĩa là sự đôn hậu, thanh bình; hình hoa bí, hoa hồi dùng để thêu trên váy cưới, thắt lưng tặng cho người yêu... Hay hình mô phỏng guồng quay sợi lanh - một trong những công đoạn của kỹ thuật dệt lanh thường được thêu trên váy và một số đồ lưu niệm như khăn choàng, túi,ví...Khi thêu không có hình mẫu cụ thể mà chỉ dựa vào kinh nghiệm và cách tính toán từng đường kim mũi chỉ, kích thước trên toàn bộ mảnh vải, chỉ nhầm một mũi kim là phải gỡ ra làm lại. Khi hoàn thành toàn bộ hoa văn trên vải phải đều đặn đến từng chi tiết từ đường kim, mũi chỉ cho đến cách phối màu hài hòa. Bí quyết phối màu ấy đã bao đời được các thế hệ người Mông tôi luyện và sáng tạo, các mẫu hoa văn cũng được lưu giữ qua trí nhớ rồi truyền từ đời này sang đời khác.
“Công việc thêu thùa diễn ra quanh năm suốt tháng, có thể thêu vào lúc nông nhàn, tranh thủ giờ nghỉ trưa trên nương, buổi tối. Thêu không chỉ đơn thuần là tạo ra những bộ trang phục sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn chứa đựng nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Phụ nữ Mông nào cũng phải có một vài chiếc váy thêu tay thêu ngũ sắc, mặc vào những sự kiện quan trọng trong năm như khi đi hội, xuống chợ nhất là dịp Tết.” - chị Sùng Thị Mai (30 tuổi, Tiểu khu 2, khu Mỹ Á, huyện Tân Sơn) kể.
Người Mông giữ nghệ thuật thêu tay truyền thống - Ảnh: báo Phú Thọ emagazine.
Bảo Tồn và Phục Hưng
Nhìn lại lịch sử, nghệ nhân thêu Việt Nam luôn được đánh giá cao về khả năng phối màu và tỉ mẩn trong việc thêu trên nền vải, tạo nên những tác phẩm hài hòa và mềm mại. Những đường kim mũi chỉ như nhảy lên và lượn xuống tấm vải, tạo nên những hình ảnh sinh động và tinh tế. Điều này đã làm nên đẳng cấp cho sản phẩm thêu tay Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong những họa tiết truyền thống, chẳng hạn như muôn hoa đua nở, long phượng trình tường, hoa điểu ngư trùng, hàm ý chúc mừng những điều tốt đẹp nhất cho người thân và bạn bè. Trải qua sự đúc kết tinh hoa, các kỹ năng và phương pháp thêu đã được lưu truyền đến ngày nay. Qua những đường kim mũi chỉ như bay lên lượn xuống tấm vải, người nghệ nhân thể hiện sinh động những hình ảnh xung quanh cuộc sống, từ những bông hoa, động vật đơn giản tiếp diễn, đến người vật, chim muông, hoa lá khéo léo hòa quyện vào nhau một cách tài tình, sinh động, biểu đạt tâm tư, tình cảm của con người, làm phong phú đời sống tinh thần, làm cho đời người tròn vẹn hơn.
Nghệ thuật thêu tay ở Việt Nam đã trải qua sự chuyển biến với sự xuất hiện của thêu truyền thống và thêu tay hiện đại.
- Thêu tay truyền thống: tập trung vào các tác phẩm tranh phong cảnh, thiên nhiên và chân dung, mũi thêu nhỏ, chỉ thêu tơ bóng hoặc chỉ tơ mảnh trên nền vải lụa, vải đũi, đòi hỏi sự tỉ mẩn và thời gian chế tác lâu dài. Thêu truyền thống có độ chuyển màu mượt mà, êm dịu, tạo nên sự mềm mại, mảnh mai của các chi tiết. Ngoài thêu trên mặt phẳng, thêu truyền thống còn ứng dụng làm nên các tác phẩm hoa 3D trên vải toan vô cùng tinh xảo.
Với sự tỉ mẩn và chăm chỉ từng đường kim mũi chỉ, nghệ nhân thêu tay không chỉ tạo ra những tác phẩm đẹp mắt mà còn thể hiện sự kiên nhẫn và đam mê đối với nghệ thuật thêu. Thêu tay không chỉ là cách trang trí cho quần áo và phụ kiện, mà còn là một hoạt động giúp thư giãn tinh thần một cách hiệu quả.
- Thêu tay hiện đại: Thêu tay hiện đại hay còn gọi là thêu tay nghệ thuật, là sự kết hợp giữa kỹ thuật thêu, mũi thêu truyền thống và sử dụng những họa tiết hiện đại, phối màu hiện đại cùng với việc sử dụng các loại chỉ mới trên các chất liệu mới. Với thêu tay hiện đại, chủ đề thêu trải dài từ thiên nhiên, chân dung, lễ hội, động vật…, đi kèm nhiều phong cách khác nhau như đi đương đại, tối giản, Parisian, Mexican. Thêu tay hiện đại cũng ứng dụng trên các loại vật liệu như vải linen, vải jeans, vải kaki, canvas, da, bìa giấy, đem lại những hiệu ứng khác nhau. Thêu tay hiện đại tập trung vào tính sáng tạo và cá nhân hóa của nghệ nhân, mở ra nhiều khả năng mới như thêu 3D, thêu nổi (punch needle), thêu móc, mang lại những sản phẩm độc đáo và nghệ thuật. Thêu tay hiện đại là kỹ thuật thêu mới đòi hỏi người thêu phải có cái nhìn mới mẻ, mang “chất riêng” vào những tác phẩm của mình tạo nên một sản phẩm thời thượng, nghệ thuật.
Nghệ nhân thêu tay hiện đại không chỉ đơn giản là người thực hiện công việc thêu, mà còn là những nghệ sĩ sáng tạo, mang "chất riêng" vào từng tác phẩm, tạo ra những sản phẩm thêu tay không chỉ là trang trí mà còn là nghệ thuật.
Chăm chú và tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, chị Huỳnh Thị Trang, 27 tuổi, TP. Huế vui vẻ trò chuyện: “Bộ môn thêu hiện đại này nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng để có được một sản phẩm đẹp, hoàn thiện còn phụ thuộc vào độ khéo tay cùng với sự chỉn chu trong từng mũi thêu. Hơn hết, để làm ra một sản phẩm thêu tay, người thêu cần phải kiên nhẫn với bộ môn này...Để có được một sản phẩm thêu tay hiện tại, đầu tiên cần xác định và phác thảo hình muốn thêu. Tùy theo từng vị trí và đường nét, chúng ta có thể chọn những mũi thêu phù hợp để tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Ví dụ, đối với phần lá hoa và cánh hoa, chúng ta sẽ sử dụng mũi sa-tanh hay còn gọi là mũi bó xéo. Đối với đường viền, chúng ta sẽ sử dụng mũi thêu cành cây. Còn nhụy hoa thì sử dụng mũi sa hạt…”
Từ những mũi thêu cơ bản, chúng ta có thể thêu những bông hoa xinh xắn, những con chữ, con số, chân dung nhân vật hay thậm chí chúng ta có thể mô phỏng mọi hình ảnh thực tế lên miếng vải đơn sơ nhờ vào những đường chỉ. Không chỉ tô điểm cho quần áo, phụ kiện thêm phần sinh động, thêu tay nghệ thuật còn là một cách giúp thư giãn đầu óc hiệu quả.
Thách thức và Cơ hội
Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào một thực tế rằng nghề thêu đang đứng trước nguy cơ mai một. Số lượng gia đình theo nghề có xu hướng giảm dần theo mỗi năm. Lý do chính là nguồn lợi kinh tế không đủ trang trải cuộc sống. Giữa những tâm huyết trong từng đường thêu, nhiều nghệ nhân phải rất chật vật để bám nghề. Nhiều nghệ nhân tâm niệm sẽ mãi một lòng với Tổ nhưng gánh nặng cơm áo vẫn oằn vai. Cùng với sự phát triển chung của ngành may mặc, máy thêu công nghiệp, máy thêu tích hợp với máy may cũng đã có từ lâu, các sản phẩm thời trang nhanh với mẫu mã liên tục và đại trà cũng xuất hiện dày đặc cũng khiến các sản phẩm nghệ thuật truyền thống khó tìm chỗ đứng.
Mặc dù nghệ thuật thêu đang đối mặt với nguy cơ mai một, việc tìm đầu ra quốc tế có thể là chìa khóa để bảo tồn, phục hưng và phát triển nghệ thuật này. Không chỉ tiêu dùng trong nước, sản phẩm thêu tay Việt Nam cần vươn mình ra quốc tế. Những người nghệ nhân thêu tay chia sẻ rằng nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa, và lòng đam mê, và chỉ thông qua sự hỗ trợ và sự công nhận quốc tế, nghệ thuật thêu tay Việt Nam mới có thể vươn lên và tỏa sáng trên bản đồ nghệ thuật thế giới.
Đây vừa là cách để bảo tồn, cũng là để mang nét đẹp làng nghề Việt ra thế giới.
Những nghệ nhân thêu tay ở đây chia sẻ thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn.
Thêu tay chưa bao giờ mất đi chỗ đứng bởi những giá trị về tình cảm, tinh thần, thẩm mỹ được người thêu gửi gắm trọn vẹn trong mỗi sản phẩm. Đó là những thứ không máy móc nào, không guồng quay nào có thể so sánh được.
Sau tất cả, điều mà chúng tôi ao ước là kể cho các bạn nghe câu chuyện về từng nghệ nhân thêu xứ mình, với đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thanh tịnh đã gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống của chúng ta qua hàng thế kỷ. Chúng tôi sẽ cùng góp một phần bé nhỏ trên hành trình tiếp tục thêu nên bức tranh Tú sinh động cho chúng ta, cho hôm nay, cho ngày mai.
Tài liệu tham khảo
Trương Nam - Shanghai International Studies University
https://baothuathienhue.vn
https://tttt.ninhbinh.gov.vn/du-lich
https://baophutho.vn
https://riba.vn
http://xqvietnam.com
Wikipedia
Viết bình luận