Áo yếm là một trong những trang phục Á Đông mang sức ảnh hưởng toàn cầu. Áo yếm vừa e ấp ngây thơ, vừa quyến rũ mặn mòi. Xưa kia, áo yếm là trang phục nội y hoặc mặc nhà của phụ nữ Việt Nam. Khi ra đường, phụ nữ thường khoác thêm các trang phục khác như áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy. Ngày nay, với thiết kế cắt xẻ vô cùng hiểm hóc và thách thức tay nghề người thợ cắt may, áo yếm là thiết kế đỉnh cao phô diễn nét đẹp hình thể người phụ nữ. Chiếc áo yếm cách tân trở thành kiểu dáng trang phục khéo léo tôn lên vẻ đẹp thanh lịch của chiếc cổ và vai kiêu hãnh, đồng thời tạo ra một cảm giác nhẹ nhàng, nữ tính. Thời trang phương Tây từ lâu cũng đã bị cuốn hút bởi vẻ gợi cảm khó cưỡng của áo yếm Việt Nam và họ đã mượn hình hài của chiếc áo này để tạo ra phom dáng áo cổ yếm (halter top) ngày nay.
Áo yếm tôn lên đường cong tuyệt đẹp, khoe ra tấm lưng trần nõn nà cùng vòng eo thon thả của thiếu nữ Việt xưa.
Hỡi em yếm thắm, lụa đào
Yếm là một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, du nhập từ tâm y của Trung Hoa, đặc biệt phổ biến ở miền Bắc. Chiếc áo yếm xuất hiện trong cuộc sống của người dân vùng Kinh Bắc từ lâu nhưng tới đời nhà Lý (thế kỷ XII) cái yếm mới định hình về cơ bản như một phục trang lót bên trong, là thứ trang phục đã có từ bao đời vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay.
Xưa kia áo yếm thường được gọi với cái tên ngắn gọn là yếm. Theo định nghĩa thực dụng, yếm là đồ lót bên trong, có tác dụng che ngực, che bụng. Nhưng cái phần nhỏ trong trang phục để che ngực ấy lại là một nét trong văn hóa mặc của người phụ nữ Việt Nam xưa.
Những cô gái con nhà khá giả thường mặc yếm màu may từ loại vải đắt tiền.
Vào thế kỷ XVIII-XIX, chiếc áo yếm có kết cấu đơn giản số lượng vải không nhiều, chỉ là một miếng vải hình vuông hoặc hình thoi, mỗi chiều khoảng 40cm, vắt chéo trước ngực, góc trên khoét tròn làm cổ, hai đầu của cổ yếm đính mẩu dây để cột ra sau gáy, hai dải ở hai góc cạnh sườn người mặc, buộc phía sau lưng. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn.
Yếm được mặc bởi phụ nữ Việt ở mọi tầng lớp giai cấp xã hội, từ các tôn nữ công chúa nơi thâm cung, các phu nhân tiểu thư của những gia đình quý tộc, đến những người phụ nữ bình dân tần tảo, vất vả sớm hôm để nuôi chồng, nuôi con. Yếm là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt. Yếm đi với áo cánh, tôn vẻ đẹp của cổ cao ba ngấn, bờ vai tròn lẳn. Yếm trắng với áo dài tứ thân, màu nâu non tạo sự nền nã của các chị em. Mảng màu của chiếc yếm, ở nơi ngực ấy, đã là một nét độc đáo, ý nhị đầy biểu cảm. Còn trong các ngày lao động, họ thường mặc yếm trắng, yếm xám... khoác bên ngoài là chiếc áo nâu giản dị.
Yếm đào
Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, dịu dàng và đằm thắm.
Yếm đỏ, yếm đào trong bộ áo mớ ba mớ bảy của các cô gái trảy hội ngày xuân, tôn lên sự rực rỡ nhưng hài hòa và đồng thời cũng là một điểm nhấn cực mạnh của thị giác. Đây là mẫu trang phục áo yếm thời xưa thường được dành cho các cô gái trẻ trong các dịp lễ hội hay trong những ngày vui hoặc được dùng mặc ở nhà. Yếm đào thời xưa thường được phụ nữ mặc cùng với các loại áo khoác bên ngoài như áo tứ thân, các loại áo dài. Những cô gái kỹ tính thường tự đi chợ mua tơ tằm về may yếm đào.
Yếm cổ xây
Trang phục áo yếm này cũng giống với hầu hết với các loại yếm khác về dáng và cách sử dụng, ngoại trừ phần cổ của yếm cổ xây được thiết kế dạng hình tròn. Yếm cổ xây có phần kín đáo hơn so với với các loại yếm khác, vì vậy thường được phụ nữ ngày xưa mặc đi làm đồng hoặc đi ra chợ.
Yếm cổ nhạn
Yếm cổ nhạn còn được gọi là cổ xẻ, có dạng chữ V, ở viền còn có khâu nổi 3 gạch như vết chân chim, vừa để yếm không bị bục rách, vừa để trang trí.
Yếm đeo bùa
Hỡi cô yếm thắm đeo bùa,
Bác mẹ có bán anh mua nửa người
Một loại yếm hay được các cô gái sử dụng nữa là "yếm đeo bùa". Gọi là yếm đeo bùa bởi người mặc chúng thường để xạ hương vào trong túi vải nhỏ đeo cạnh yếm, đó chính là thứ vũ khí vô cùng lợi hại của các cô gái thời xưa... không chỉ vậy, chiếc yếm còn làm nên những câu chuyện tình yêu vô cùng độc đáo. Xưa, các cô gái khi hẹn hò người mình yêu thường "ém" một miếng trầu trong chiếc yếm của mình, dân gian gọi đó là "khẩu trầu dải yếm". Có lẽ không có thứ trầu nào "linh thiêng" hơn loại trầu dải yếm này.
Đêm nằm đắp chục chiếc chăn,
Làm sao sánh được ấm bằng yếm em.
Yếm và lưng ong
Người phụ nữ Việt Nam xưa dù ở tầng lớp nào cũng đều mặc yếm, từ người phụ nữ thôn quê cho đến các công chúa trong chốn cung đình. Chiếc yếm đã trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục của phụ nữ xưa: cái yếm, cái áo tứ thân, cái dây lưng, cái khăn mỏ quạ, cái quần đen, cái nón…
Phải nói rằng, áo yếm là loại trang phục dân tộc gợi cảm nhất từ trước đến nay của phụ nữ Việt. Từ xa xưa, yếm mộc mạc đã đi vào thơ ca: "Ước gì sông hẹp tày gang. Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”, "Trời mưa trời gió kìn kìn. Ðắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông".
Hình ảnh đời thường gợi cảm của phụ nữ Việt xưa kia - Tonkin
Yếm trải qua nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Ban đầu, yếm được làm từ chất liệu đơn giản như vải thô, mộc mạc. Sau này, yếm được may bằng các loại vải mềm mại, mịn màng và có nhiều màu sắc, họa tiết trang trí phong phú. Yếm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với bờ vai thon, cổ cao ba ngấn và làn da trắng mịn. Mặc yếm vừa thoáng mát lại gợi tình, giúp thiếu nữ khoe khéo vòng eo "con kiến" cùng tấm lưng nuột nà. Chiếc yếm tạo nên sự kín đáo nhưng kỳ thực lại rất gợi cảm.
"Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông"
- Hồ Xuân Hương -
Hình ảnh đời thường gợi cảm của phụ nữ Việt xưa kia - Tonkin
Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong. Chiếc áo yếm nửa kín, nửa "hờ hững" tôn lên tấm lưng ong nhỏ nhắn của người phụ nữ Việt xưa, khiến bao chàng trai phải ngẩn ngơ nhìn theo. Người Việt xưa cho rằng những cô gái với cái lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ. “Đàn bà thắt đáy lưng ong. Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.”
Phụ nữ Việt Nam thời kỳ 1919 - 1926
Tấm lưng trắng nuột nà và vòng eo thon của người con gái Việt xưa được khoe
trọn vẹn trong dải yếm trắng.
Người xưa coi yếm là cái gì đó còn mang tính thiêng liêng, không ai bán yếm may sẵn, người con gái thường tự cắt may lấy, khi giặt, phơi cũng phải kín đáo tránh lộ liễu. Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, đằm thắm và dịu dàng.
Học giả Phan Kế Bính đã mô tả y phục phụ nữ miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20 như sau: “Đàn bà vấn khăn thâm, hoặc lượt hoặc nhiễu, hay vải nâu. Giời rét thì bịt thêm cái khăn vuông bằng vải nâu hoặc bằng xuyên thâm. Yếm cổ xây hay viền, dùng màu trắng nhiều hơn cả. Áo cũng dùng màu thâm, hoặc màu nâu, duy người ăn chơi hoặc con hát mới mặc các màu xanh đỏ. Quần phần nhiều mặc vải sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc nhiễu đỏ.”
“Yếm mặc để che kín ngực là mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thìa, hay cổ xây, có dải bọc treo lên cổ, hai góc đối nhau vắt sang hai bên sườn may dải rộng quấn vòng sau lưng ra đàng trước bụng, thường quấn chặt không để cho vú ngóc lên phô trương đường cong nét gợi, không để cho rung rinh, dún dẩy, vươn ra quá cỡ.” - Đất lề quê thói - Vũ Văn Khải
Cái yếm như trang phục lót che kín ngực, mà nhiều khi được dùng suồng sã trong sinh hoạt. Phụ nữ Việt thường mặc yếm có màu sắc giản dị, không lòe loẹt
“Ra đường đi đâu gần gần mà chỉ bận yếm thì cũng chẳng ai rầy” - Quê Rích Quê Rang – Trần Ỷ (Tuyển tập Quảng Ngãi Mến Yêu)
“Mùa nóng nực những người làm việc khó nhọc chỉ mặc yếm che ngực, đủ kín đáo, không mặc áo.” - Đất Lề Quê Thói Nhất Thanh Vũ Văn Khải
Tất nhiên, yếm sẽ không được dùng như một bộ lễ phục hay dùng để tiếp đón khách quý. Lễ phục cung đình thời xưa cũng rất trang trọng và nghiêm túc, từ những người tiếp đón cho tới những người phục vụ nhã nhạc. Yếm, lẽ dĩ nhiên, chỉ được dùng làm đồ lót trong.
Các cô gái khoác thêm áo dài tay bên ngoài áo yếm
Yếm trong thời trang đương đại
Để trở thành trang phục yêu thích của quý bà quý cô trước khi chiếc áo dài ra đời, đi kèm với cái yếm là chiếc áo cánh khoác ngoài không cài cúc. Khi ra ngoài bên ngoài chiếc yếm có thêm chiếc áo dài, chiếc váy lưỡi trai bằng lĩnh, dải lụa đào hoặc màu mỡ gà thắt ngang lưng, cái xà tích bạc lủng lẳng, bộ "độ nghề" ǎn trầu bên phía cạnh sườn, chân mang dép. Chưa hết, phục trang ra đường còn phải kể đến là hai chiếc khǎn đội đầu: khǎn nhiễu (quấn bên trong) và khǎn mỏ quạ (trùm bên ngoài). Nếu đúng dịp hội hè đình đám các cô gái thường trang bị thêm cho mình chiếc nón quai thao, tóc vấn cao cài lược. Yếm quan trọng với trang phục Thăng Long là vậy.
Sau một thời gian dài bị lãng quên nhường chỗ cho các trào lưu thời trang phương Tây, ngày nay, yếm đang dần trở lại với nhiều biến tấu đương đại: yếm thay cho áo và kết hợp với chiếc quần jean hoặc váy một cách “trơn tru”, yếm trong chiếc đầm dài thướt tha khoe bờ vai khoẻ khoắn.
Ngày nay, cổ yếm vẫn giữ vị trí quan trọng trong văn hóa Việt Nam và được ứng dụng trong thời trang đương đại:
- Trang phục truyền thống: Cổ yếm là một phần không thể thiếu trong các bộ trang phục truyền thống như áo dài, áo tứ thân,...
- Trang phục hiện đại: Cổ yếm được biến tấu và kết hợp với các loại trang phục hiện đại như áo sơ mi, áo croptop, váy,... tạo nên phong cách thời trang độc đáo và ấn tượng.
- Phụ kiện thời trang: Cổ yếm được sử dụng như một phụ kiện thời trang độc đáo, tạo điểm nhấn cho trang phục.
Viết bình luận